Đăng nhập
Chào Mừng Các Bạn Đến Với Website Đoàn - Hội Khoa Triết HọcLaughing

Từ khóa
Danh mục

Bạn cần thông tin gì nhất từ website
Hoạt động đoàn - hội
Học Thuật
Kĩ năng
Học bổng - việc làm

V.I.LÊNIN VỚI VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

Lê Đại Nghĩa (*)

Nếu C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách khoa học và cách mạng về tôn giáo, xác định lập trường, phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của giai cấp vô sản thì V.I.Lênin là người kế tục xuất sắc nhất trong việc truyền bá, bổ sung, phát triển và hiện thực hóa tư tưởng đó, giải quyết thành công vấn đề tôn giáo ở nước Nga sau Cách mạng tháng Mười. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhờ đó thực hiện được đoàn kết lương giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình hoạt động thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận, C.Mác và Ph.Ăngghen, với hai phát kiến vĩ đại của mình - chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, đã nâng chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học. Từ đây, các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó có vấn đề tôn giáo được các ông giải quyết một cách khoa học, cách mạng, triệt để. Lần đầu tiên C.Mác và Ph.Ăngghen đã lấy tồn tại xã hội để giải thích ý thức xã hội, trong đó có ý thức tôn giáo, chứ không phải lấy ý thức để giải thích tồn tại của xã hội loài người. Các ông đã luận giải một cách khoa học, cách mạng về bản chất, nguồn gốc, tính chất, chức năng của tôn giáo; lập trường, phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của giai cấp vô sản; phê phán các trào lưu tư tưởng duy tâm tôn giáo và các trào lưu tư tưởng sai lầm khác. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sáng tạo ra con người; tôn giáo là sự phản ánh và phản kháng của con người đối với sự nghèo nàn của hiện thực; tôn giáo áp bức con người về tinh thần, làm tha hóa con người, “là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim... tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”(1). Cho nên, còn hiện thực khốn cùng là còn cơ sở để tôn giáo nảy sinh và tồn tại. Xã hội nào sinh ra tôn giáo ấy, tôn giáo luôn mang dấu ấn lịch sử của thời đại, của dân tộc mà nó ra đời và cũng biến đổi, thích ứng với sự biến đổi của thời đại, của dân tộc đó. Thông thường, khi mới ra đời các tôn giáo đều phản ánh khát vọng được giải phóng của quần chúng, nhưng trong quá trình tồn tại, nó thường bị các giai cấp thống trị lợi dụng để ru ngủ nhằm áp bức, bóc lột quần chúng. Theo đó, C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu giai cấp vô sản phải giải phóng quần chúng thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo “với tính cách là xóa bỏ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân”(2). Giải quyết vấn đề tôn giáo phải gắn với việc giải quyết nguồn gốc nảy sinh ra nó, tức là gắn liền với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị”(3). Đồng thời, các ông chỉ rõ, trong chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn được “giữ lại” và phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, “Đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”(4). Hai ông đã phê phán các trào lưu tư tưởng cực đoan coi tôn giáo là đối tượng duy nhất để phê phán, coi nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, muốn tuyên chiến, tiêu diệt tôn giáo và xóa bỏ Thượng đế bằng sắc lệnh. Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc mà đảng vô sản, giai cấp vô sản các nước cần nhận thức và thực hiện tốt. Điều kiện lịch sử mới đã cho phép và đòi hỏi V.I.Lênin vận dụng, phát triển và hiện thực hóa toàn diện chủ nghĩa Mác, trong đó có vấn đề về tôn giáo. Đó là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đang chuyển sang giai đoạn phát triển đế quốc chủ nghĩa, vấn đề giành chính quyền ở Nga đã đặt ra trực tiếp. Ở Nga, đạo Chính thống là công cụ để nô dịch, kìm kẹp tinh thần quần chúng. “Giáo hội ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào nhà nước, và những công dân Nga ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào quốc giáo”(5). Các thế lực phản động kích động các tôn giáo hoạt động sôi nổi lên, hòng thông qua đó để đánh lạc hướng quần chúng, lôi kéo họ ra khỏi cuộc đấu tranh cách mạng để củng cố chế độ Nga hoàng. V.I.Lênin chỉ rõ: “Khắp nơi bọn tư sản phản động đã chú trọng, và ở nước ta hiện nay chúng cũng bắt đầu chú trọng khêu lên những sự thù hằn tôn giáo, để làm cho quần chúng chú ý về phía đó, khiến cho họ không để ý đến vấn đề chính trị và kinh tế thật sự quan trọng và chủ yếu”(6). Trước hiện trạng trong Đảng Dân chủ - Xã hội còn có quan niệm, thái độ “tả khuynh”, hữu khuynh, cơ hội và thoả hiệp với tôn giáo, V.I.Lênin ý thức rất rõ sự thống nhất thái độ của Đảng đối với tôn giáo theo quan điểm chủ nghĩa Mác là vấn đề quan trọng và bức thiết. Bởi thế, V.I.Lênin đã tích cực truyền bá, khẳng định nhằm thống nhất quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo vào trong Đảng Dân chủ - Xã hội và phong trào công nhân Nga. Người đã viết một loạt bài về vấn đề này; chẳng hạn, bài Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo đăng trên báo Đời sống mới; bài Về thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo đăng trên báo Người vô sản;bài Thái độ của giai cấp và của các đảng phái đối với tôn giáo và giáo hội đăng trên báo Người dân chủ - xã hội.Trong các bài viết này, V.I.Lênin tiếp tục phân tích sâu sắc để truyền bá, thống nhất nhận thức tư tưởng cơ bản của C.Mác về nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, thái độ của giai cấp vô sản đối với tôn giáo, lập trường, phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo... trong Đảng Dân chủ - Xã hội và phong trào công nhân Nga. Trong quá trình đó, V.I.Lênin đã làm sâu sắc thêm và chi tiết hoá nhiều vấn đề về tôn giáo, giải quyết vấn đề tôn giáo. Về nguồn gốc nhận thức của tôn giáo, thừa nhận tư tưởng của Ph.Ăngghen cho rằng, tôn giáo ra đời do sự nhận thức hạn hẹp, sai lầm, hoang tưởng, sự trừu tượng hóa, nhân cách hóa các sự vật hiện tượng của con người: “Tôn giáo sinh ra… từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thủy của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”(7), V.I.Lênin phân tích sâu thêm khả năng xuất hiện tôn giáo nằm ngay trong phép biện chứng của quá trình nhận thức: nhận thức phát triển theo đường xoáy ốc, ngoằn ngoèo, trong quá trình đó dễ dẫn tới sự đơn giản, phiến diện, xơ cứng, ảo tưởng và do vậy, dễ dẫn đến chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Mặt khác, trong quá trình trừu tượng hóa để hình thành cái chung trong tư duy, do sức tưởng tượng bay bổng đã làm cho cái tưởng tượng đó cách xa sự vật, hiện tượng ban đầu, "bản chất của giới tự nhiên coi như là khác với giới tự nhiên, coi như là bản chất con người, bản chất của con người coi như là khác với người, coi như là bản chất không phải người", biến cái khác đó thành các biểu tượng tôn giáo. Thừa nhận “nguồn gốc sâu xa nhất của các thành kiến tôn giáo là cùng khổ và dốt nát”(8), V.I.Lênin khẳng định: “Trong các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay, những nguồn gốc ấy của tôn giáo chủ yếu là nguồn gốc xã hội. Sự áp bức đối với quần chúng lao động về mặt xã hội, tình trạng có vẻ hoàn toàn bất lực của họ trước những thế lực mù quáng của chủ nghĩa tư bản đang hàng ngày hàng giờ gây ra cho những người lao động bình thường những nỗi thống khổ cực kỳ ghê gớm, những đau thương thật là khủng khiếp, nhiều gấp nghìn lần so với những biến cố phi thường như chiến tranh, động đất, v.v.. đó là nguồn gốc sâu xa nhất hiện nay của tôn giáo”(9). Bởi vậy, lôgíc tất yếu là giải quyết vấn đề tôn giáo phải xuất phát từ nguồn gốc xã hội sâu xa ấy, tức là gắn với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, chứ không chỉ thuần tuý tuyên truyền lý luận một cách trừu tượng. Về thái độ, trách nhiệm của Đảng Dân chủ - Xã hội Nga đối với vấn đề tôn giáo, V.I.Lênin khẳng định, tôn giáo là việc tư nhân đối với nhà nước, chứ không phải là việc tư nhân đối với các đảng của giai cấp công nhân: Chúng ta đòi hỏi rằng, đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là một việc tư nhân. Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần... Mọi sự phân biệt quyền lợi giữa các công dân có tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể dung thứ được…(10) Nhưng, “đối với đảng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, tôn giáo không phải là một việc tư nhân. Đảng ta là một tổ chức gồm những chiến sĩ tiên phong và giác ngộ đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Một tổ chức như thế không thể và không được thờ ơ trước tình trạng thiếu giác ngộ, dốt nát hoặc mê muội mà biểu hiện là những tín ngưỡng tôn giáo. Đấu tranh tư tưởng không phải là một việc tư nhân mà là việc của toàn đảng, của toàn thể giai cấp vô sản”(11). Do đó, các đảng cộng sản cần xác định rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề tôn giáo để vừa tập hợp lực lượng cách mạng, vừa giải phóng quần chúng ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo. Đồng thời, Người đã phê phán khuynh hướng hữu khuynh, cơ hội, thoả hiệp với tôn giáo dưới vỏ bọc là “tôn giáo là việc tư nhân” cả với đảng của giai cấp công nhân, từ đó dẫn tới thái độ điều hoà với tôn giáo và nhà thờ, làm phương hại đến cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Trung thành với C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chỉ rõ giải quyết vấn đề tôn giáo phải phụ thuộc và phục vụ cho vấn đề giai cấp: chúng ta bao giờ cũng sẽ tuyên truyền thế giới quan khoa học... nhưng như thế không hề có nghĩa là đưa vấn đề tôn giáo lên hàng đầu, không biến cuộc đấu tranh với tôn giáo thành mục đích tự thân, mà phải tập trung lực lượng đấu tranh chính trị - kinh tế. Đưa vấn đề tôn giáo lên hàng đầu (kiểu Bixmác, Đuyrinh) là tự chia rẽ và làm suy yếu lực lượng cách mạng, làm lạc hướng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống chủ nghĩa tăng lữ, là mắc mưu kẻ thù và bị giai cấp tư sản lừa bịp(12). Về vấn đề đảng viên có tôn giáo, theo V.I.Lênin, “không nên nhất luật, và bất cứ trong trường hợp nào, cũng tuyên bố rằng các linh mục không thể trở thành đảng viên Đảng Dân chủ - Xã hội, nhưng lại càng không nên nhất luật tuyên bố ngược lại. Nếu có một linh mục nào lại cùng đi với chúng ta để cùng hoạt động chính trị, tận tâm làm tròn nhiệm vụ của mình trong đảng và không chống lại cương lĩnh của đảng, thì chúng ta có thể kết nạp người ấy vào hàng ngũ Đảng Dân chủ - Xã hội”(13). Khi đó, mâu thuẫn về thế giới quan chỉ là mâu thuẫn trong tư tưởng của đảng viên đó mà thôi, họ tự đấu tranh với bản thân mình. Ngược lại, nếu tín đồ vào đảng mà chỉ với mục đích tuyên truyền tôn giáo trong đảng, không thực hiện cương lĩnh, kỷ luật đảng thì không thể kết nạp họ được, nếu đã kết nạp thì phải kiên quyết đưa họ ra khỏi đảng. Người viết: “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng Dân chủ - Xã hội tất cả những công nhân còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến tín ngưỡng tôn giáo của họ, nhưng chúng ta thu hút họ để giáo dục họ theo tinh thần cương lĩnh của chúng ta, chứ không phải để họ tích cực chống lại cương lĩnh ấy”(14). Rõ ràng, Đảng Cộng sản thực sự tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không tín ngưỡng tôn giáo của công dân, không kì thị, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo như kẻ thù thường vu khống. V.I.Lênin đã xác định rõ nguyên tắc, hình thức, phương pháp giải phóng quần chúng ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo. Theo Người, điểm cốt tử nhất, phương cách giải quyết các thiên kiến của tôn giáo quan trọng nhất là đoàn kết, tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng cùng đấu tranh nhằm xây dựng thiên đường trên trái đất, làm cho thiên đường của tôn giáo mất dần ý nghĩa. “Không một quyển sách tuyên truyền nào sẽ tẩy trừ được tôn giáo trong đám quần chúng bị nhà tù tư bản làm cho đần độn, bị lệ thuộc vào những thế lực phá hoại mù quáng của chủ nghĩa tư bản, chừng nào mà đám quần chúng ấy vẫn còn chưa học tập đấu tranh một cách đoàn kết nhất trí, có tổ chức, có kế hoạch, và có ý thức, chống lại các nguồn gốc ấy của tôn giáo, chống sự thống trị của tư bản dưới tất cả mọi hình thức của nó”(15). Từ đó, V.I.Lênin chỉ rõ: cần tìm mọi biện pháp để tập hợp quần chúng không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo; không tuyên chiến, xúc phạm tôn giáo; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của giai cấp thống trị; sử dụng sức mạnh tổng hợp để nâng cao giác ngộ, giáo dục vô thần; “…phải cung cấp cho quần chúng ấy đủ các thứ tài liệu tuyên truyền vô thần, giới thiệu cho họ những sự việc lấy trong mọi mặt sinh hoạt thực tế, dùng mọi cách để làm cho họ hứng thú, kéo họ ra khỏi sự mê muội tôn giáo, thức tỉnh họ từ mọi phía và bằng đủ mọi phương pháp”(16). V.I.Lênin đã đấu tranh ngăn chặn xu hướng "tạo thần" và "tìm thần". Sau thất bại của cuộc Cách mạng 1905, nhiều người tham gia cách mạng hoang mang, dao động tư tưởng, muốn kết hợp phong trào xã hội dân chủ với lòng tin tôn giáo, mang vào chủ nghĩa xã hội khoa học niềm tin tôn giáo, coi chủ nghĩa xã hội cũng là một loại tôn giáo đã làm xuất hiện các trào lưu "tìm thần", "tạo thần" mới. Trước hiện trạng đó, V.I.Lênin đã phân tích sâu sắc căn nguyên, chỉ ra tác hại của các trào lưu đó là những “độc tố ngọt ngào nhất và được che đậy khéo léo nhất trong những viên kẹo bọc bằng đủ loại giấy màu sặc sỡ!!”(17); là “sự biện hộ cho thế lực phản động”, trói chặt các giai cấp bị áp bức bằng cách làm cho họ tin vào thần thánh của những kẻ áp bức, là một hình thức quá độ từ chủ nghĩa xã hội sang tôn giáo và còn nguy hiểm hơn nhiều so với tôn giáo nguyên sơ. Quan điểm của V.I.Lênin là “không thể và sẽ không nói chuyện với những người đi tuyên truyền cho việc kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với tôn giáo”(18). Người yêu cầu, phải giáo dục quần chúng phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội với tôn giáo; hướng dẫn quần chúng đấu tranh để tự giải phóng mình, không chịu sự nô dịch của thần quyền cố kết với thế quyền đối với nhân dân lao động. Không dừng lại ở việc truyền bá, bảo vệ, phát triển thống nhất tư tưởng chủ nghĩa Mác về tôn giáo trong Đảng Dân chủ - Xã hội Nga, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Nga,V.I.Lênin đã xác lập, thực thi sách lược giải quyết vấn đề tôn giáo đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả,đã tập hợp quần chúng có tín ngưỡng tôn giáo; vô hiệu hoá sự lợi dụng tôn giáo của kẻ thù góp phần không nhỏ vào sự thành công của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917. Khi chính quyền đã về tay nhân dân, trong quá trình xây dựng xã hội mới, mặc dù bận rất nhiều việc, V.I.Lênin vẫn luôn quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Ngày 23 -1- 1918, Người đã tuyên bố sắc luật “Về việc tách giáo hội ra khỏi nhà nước, trường học ra khỏi nhà thờ”. Đây là văn kiện pháp lý đầu tiên của loài người ghi nhận không chỉ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mà cả quyền tự do vô thần. Ngày 26 – 12 – 1921, phát biểu tại hội nghị của các đại biểu ngoài đảng, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định: “… theo Hiến pháp của chúng ta, theo đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa chúng ta thì quyền tự do tín ngưỡng về tôn giáo đã được tuyệt đối bảo đảm cho mọi người”(19)… Do nhiều lý do, sau khi V.I.Lênin mất, những tư tưởng của Người có lúc, có nơi không được nhận thức và thực hiện đúng; đã xuất hiện các biện pháp cực đoan trong xem xét, giải quyết vấn đề tôn giáo, trong giáo dục chủ nghĩa vô thần… gây ra những tác hại không nhỏ đến sự nghiệp cách mạng Nga và Liên Xô sau này. Vận dụng trung thành, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra chính sách tôn giáo đúng đắn: tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào; quan tâm xây dựng khối đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân; tích cực thực hiện bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo"; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đồng bào hiểu rõ và thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; kiên quyết nghiêm trị những kẻ thoái hoá biến chất lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá đạo, phản nước, hại dân; từng bước xoá bỏ mê tín dị đoan và các hủ tục khác. Nhờ đó, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giải quyết thành công. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức đúng đắn hơn vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, còn tồn tại lâu dài cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc; trong tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp phù hợp với xã hội mới; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân… Thực hiện công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, công tác với con người; quan tâm xây dựng, kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành; quan tâm công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về tôn giáo; quan tâm phát triển đảng trong vùng tôn giáo... “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo”(20). Nhờ đó, tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay cơ bản ổn định; hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, các hoạt động tôn giáo diễn ra khá đa dạng; các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được mở rộng; việc xuất bản kinh sách, ấn phẩm tôn giáo tăng cả số lượng, chất lượng; việc xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở thờ tự của các tôn giáo, hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, chức sắc tôn giáo được chú ý. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đạt kết quả quan trọng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được bảo đảm; hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc thuận lợi, theo hướng “tốt đời, đẹp đạo”; sự đoàn kết gắn bó giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo và giữa các tôn giáo được củng cố…(21). Tuy vậy, hoạt động tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, như việc truyền đạo trái phép, tình trạng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo… Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, tư tưởng và chính sách của V.I.Lê nin về vấn đề tôn giáo. ________________________________________ (*) Đại tá, Tiến sĩ, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng. (1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.569 - 570. (2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.570. (3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.570. (4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.549. (5) V.I.Lênin. Toàn tập, t.12. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.171. (6) V.I.Lênin. Sđd.,t.12, tr.174 -175. (7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.445. (8) V.I.Lênin. Toàn tập, t.37. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.221. (9) V.I.Lênin. Sđd., t.17, tr.515. (10) Xem: V.I.Lênin. Sđd.,t.17, tr.515. (11) V.I.Lênin. Sđd.,t.12, tr.170-171, 171-172. (12) Xem: V.I.Lênin. Sđd.,t.48, tr.294. (13) V.I.Lênin. Sđd.,t.17, tr.519 - 520. (14) V.I.Lênin. Sđd.,t.17, tr.511. (15) V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.31- 32. (16) V.I.Lênin. Sđd., t.52, tr.180. (17) V.I.Lênin. Sđd., t.48, tr.294. (18) V.I.Lênin. Sđd., t.47, tr.198. (19) V.I.Lênin. Sđd., t.44, tr.410. (20) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.122. (21) Xem: Trần Xuân Hiền. Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo sau 5 năm thực hiện. Tạp chí Mặt trận, số 78 (4-2010). Nguồn:vientriet.com

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Địa chỉ liên hệ: Văn phòng khoa Triết học A207, 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.    
Tự tạo website với Webmienphi.vn