Đăng nhập
Chào Mừng Các Bạn Đến Với Website Đoàn - Hội Khoa Triết HọcLaughing

Từ khóa
Danh mục

Bạn cần thông tin gì nhất từ website
Hoạt động đoàn - hội
Học Thuật
Kĩ năng
Học bổng - việc làm

NHÂN ĐỌC

 “CÁCH MẠNG VÔ SẢN VÀ TÊN PHẢN BỘI CAU-XKY”([1]) CỦA V.I. LÊNIN

– SUY NGẪM VỀ VẤN ĐỀ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN

TÔ TỒ

            Các nhà kinh điển mácxít đều khẳng định vấn đề chuyên chính vô sản của giai cấp vô sản là điều cốt yếu sau khi thực hiện cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản muốn xóa bỏ tình trạng người bóc lột người do chế độ chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất sinh ra, trước hết họ phải chiếm lấy chính quyền và thực hiện chuyên chính vô sản. Do vậy, trong  Hệ tư tưởng Đức C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã khẳng định; “Giai cấp nào muốn nắm quyền thống trị - ngay cả khi quyền thống trị của nó đòi hỏi phải thủ tiêu toàn bộ hình thức xã hội cũ và sự thống trị nói chung, như trong trường hợp của giai cấp vô sản, - thì giai cấp ấy trước hết phải chiếm lấy chính quyền để đến lượt mình, có thể biểu hiện lợi ích của bản thân mình như là lợi ích phổ biến, điều mà giai cấp ấy buộc phải thực hiện trong bước đầu tiên”([2]). Tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta, C. Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”([3]).

            Người kế thừa, bảo vệ và phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về nhà nước trong thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản, V.I. Lênin đã phê phán những kẻ cơ hội chủ nghĩa về nhà nước mà thực chất là họ phủ nhận việc giai cấp vô sản giành lấy chính quyền, phủ nhận sự chuyên chính của giai cấp vô sản. V.I. Lênin đã đưa ra hàng loạt các bài viết và tác phẩm nhằm luận chứng cho sự tất yếu của chuyên chính vô sản. Trong bài viết Về việc hai chính quyền song song tồn tại Lênnin chỉ rõ: “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền nhà nước. Chừng nào mà chưa nhận rõ được vấn đề đó thì hoàn toàn không thể nói đến việc tự giác tham gia cách mạng, và càng không thể nói đến việc lãnh đạo cách mạng”([4]). Hay trong bài viết Một trong những vấn đề căn bản của cách mạng nêu rằng “Vấn đề chính quyền là vấn đề người ta không thể lẫn tránh được, cũng không thể gác lại, vì chính đó là vấn đề cơ bản, vấn đề quyết định tất cả mọi cái trong sự phát triển cách mạng, trong chính sách đội ngoại và đối nội của nó”([5]).

            Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính giai cấp cho nên khi giai cấp vô sản tiến hành cách mạng vô sản thành công nhằm lật đổ giai cấp tư sản. Mục tiêu trước mắt và có ý nghĩa quyết định của giai cấp vô sản là thiết lập nền chuyên chính vô sản. Vấn đề thừa nhận hay không thừa nhận chuyên chính vô sản là lằn ranh để phân biệt người mácxít thực sự với những người mácxít giả hiệu. Để vạch trần bộ mặt phản bội của Cauxky, vào đầu tháng Mười năm 1918, V.I. Lênin đã bắt tay vào viết cuốn Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky (có 8 đề mục) nhằm mục đích “phân tích những lời ngụy biện phản bội của Cauxky và việc hắn hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa Mác, là cần thiết”. Ở đây, tác giả nhân đọc đề mục 1 Cauxky biến Mác thành một người thuộc phái tự do tầm thường như thế nào thử phân tích một số luận điểm của V.I. Lênin.

            Cauxky xuyên tạc rằng, chuyên chính vô sản chỉ là “câu cỏn con”, được Mác dùng có một lần hồi năm 1875, trong một bức thư. Đó là lời nghị luận của C. Mác trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị , và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”. Ở đây, là lời tóm tắt của toàn bộ học thuyết cách mạng của C. Mác mà Cauxky xem là một “câu cỏn con”, như vậy là nhạo báng chủ nghĩa Mác, là hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa Mác. Lênin chỉ rất rõ rằng Cauxky hầu như đã thuộc lòng các tác phẩm của Mác, không thể không biết rằng Mác và Ăng-ghen trong các thư từ cũng như trong những tác phẩm đã xuất bản, đã nhiều lần nói đến chuyên chính vô sản, cả trước và nhất là sau Công xã Pari. Cauxky không thể không hiểu rằng công thức chuyên chính vô sản chỉ nói lên một cách cụ thể hơn về mặt lịch sử và chính xác hơn về mặt khoa học, nhiệm vụ này của giai cập vô sản là: “đập tan” bộ máy nhà nước tư sản. Đây là nhiệm vụ mà Mác và Ăng-ghen căn cứ vào kinh nghiệm các cuộc cách mạng 1848 và nhất là vào kinh nghiệm cuộc cách mạng 1871, đã nói đến từ 1852 tới 1891, tức là trong vòng bốn mươi năm. Cauxky đã đem chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện thay thế cho phép biện chứng; hắn cúi rạp mình trước bọn cơ hội chủ nghĩa hay nói đúng hơn là cúi rạp trước giai cấp tư sản. Ở đây luận điểm đầu tiên, khi Cauxky cho rằng chuyên chính vô sản chỉ là “một câu cỏn con”, chỉ được C. Mác “dùng một lần” thì như thế hắn đã phản bội chủ nghĩa Mác, miệng thì nói mácxít nhưng hành động là kẻ làm tôi tớ cho giai cấp tư sản.

            Luận điểm thứ hai, Cauxky tiến hành xuyên tạc khái niệm chuyên chính vô sản bằng cách đưa ra “định nghĩa” như sau: “chuyên chính có nghĩa là xóa bỏ dân chủ”. Cauxky chỉ hiểu nghĩa đen của từ “chuyên chính” và càng không thể chấp nhận đây là một định nghĩa. Thứ hai, cần lưu ý rằng những người theo phái tự do thì chỉ cần nói đến “dân chủ” nói chung, còn những người mácxít thì phải không quên hỏi “dân chủ cho giai cấp nào?” V.I. Lênin bác bỏ luận điệu của Cauxky, chuyên chính không nhất thiết có nghĩa là xóa bỏ dân chủ. Chuyên chính là quyền lực chính trị của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp, bao giờ cũng có hai mặt gắn liền với nhau: chuyên chính đối với giai cấp bị trị và dân chủ đối với giai cấp thống trị. Ngay cả “chuyên chính của bọn chủ nô” cũng không thể thủ tiêu dân chủ đối với giai cấp chủ nô. Nhà “mácxít” Cauxky đã vô tình hắn “quên mất” đấu tranh giai cấp và “chuyên chính không nhất thiết có nghĩa là thủ tiêu dân chủ của giai cấp thi hành quyền chuyên chính đó đối với giai cấp khác, mà nhất thiết có nghĩa là thủ tiêu (hay hạn chế về căn bản, như thế cũng là một trong những hình thức thủ tiêu) dân chủ đối với giai cấp bị chuyên chính hay bị trấn áp.

            Luận điểm ba, tên Cauxky cho rằng “chuyên chính” có nghĩa là “quyền bính riêng của một cá nhân, quyền bính không bị bất cứ một pháp luật nào hạn chế cả…”.  Ở đây theo như Lênin nhận định: hắn “vô tình đã rơi vào một ý đúng – tức chuyên chính là một quyền bính không bị bất cứ một pháp luật nào hạn chế cả; hắn như  “con chó con mù mà đưa mũi ngửi bâng quơ” mà đúng được một ý! Phần còn lại hắn hoàn toàn hiểu sai về chuyên chính, trái với “hiển nhiên của lịch sử” cho rằng “chuyên chính là quyền bính của độc một cá nhân” vì việc thực hành chuyên chính có thể là do một nhóm người, một bọn đầu sỏ, một giai cấp… Hơn nữa, Cauxky còn lập luận rằng những kẻ bóc lột bao giờ cũng chỉ là một thiểu số không đáng kể trong dân cư. Còn giai cấp vô sản có đa số rồi, thì chuyên chính để làm gì. Hắn khuyên đã là đa số thì không cần “đập tan sự phản kháng của thiểu số”, không cần phải “dùng bạo lực để trấn áp” thiểu số làm gì. Thật là ngụy biện để phủ nhận cách mạng bạo lực trong đấu tranh giành chính quyền của giai cấp vô sản!

            Luận điểm bốn, Cauxky đã phủ nhận việc thực hiện cách mạng bạo lực trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền của giai cấp vô sản bằng cách vịn luận điểm của C. Mác khi nói về chuyên chính của một giai cấp là giành đa số một cách “hòa bình” dưới “chế độ dân chủ”. Từ đó, Cauxky lập luận rằng “chuyên chính  vô sản” không phải là kết quả của một cuộc cách mạng bạo lực mà chỉ là một trạng thái thống trị, khi giai cấp vô sản , do nắm được đa số trong tuyển cử mà giành được chính quyền, một trạng thái nhất định phải sinh ra bằng con đường dân chủ…Hắn chứng minh cách mạng bằng phương pháp hòa bình được thực hiện ở nước Anh và nước Mỹ trong những năm 70 của thế kỉ XIX – là quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa (theo lập luận của Mác). V.I. Lênin đã vạch trần bộ mặt thật của Cauxky khi hắn cho rằng “Công xã Pa-ri là chuyên chính vô sản, nhưng nó do đầu phiếu phổ thông bầu ra (tức là do cả giai cấp tư sản không bị tước quyền bầu cử ra – “một cách dân chủ”) nhưng thực chất công lao của Công xã là đã tìm cách đập tan, phá hủy bộ máy nhà nước sẵn có “nếu Công xã Pa-ri không dùng quyền uy của nhân dân cầm vũ khí để chống lại giai cấp tư sản thì liệu có thể đứng vững được quá một ngày không” và từ đó Mác đã sữa lại “đôi chỗ” “đã cũ” của “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”. Hắn đã tránh nói đến cách mạng bạo lực. “Chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là dùng bạo lực đối với giai cấp tư sản”, sở dĩ cần phải có phải có bạo lực đó chủ yếu là do có chế độ quân phiệt và chế độ quan liêu. Cần nhớ những lập luận của Mác về việc cách mạng nước Anh và Mỹ thực hiện bằng phương pháp hòa bình vì ở Anh và Mỹ không có chính những chế độ đó (quan điểm lịch sử - cụ thể). Cauxky đã “xuyên tạc” lịch sử mà quên đi vấn đề “chủ nghĩa tư bản trước độc quyền – mà thời kỳ cực thịnh chính là vào những năm 70 của thế kỉ XIX – với những điều kiện kinh tế căn bản của nó – là yêu chuộng hòa bình và tự do. Còn chủ nghĩa đế quốc mà chỉ vào thế kỉ XX mới chín muồi, nên nó tỏ ra rõ ràng và ít yêu chuộng hòa bình nhất, yêu chuộng tự do nhất, và chủ nghĩ quân phiệt thì phát triển cao độ và phổ biến nhất. Hắn đã giở “trò bịp bợm” bằng cách tuyệt đối hóa quan điểm của Mác nhằm che đậy và bảo vệ giai cấp tư sản, nhiệt thành tán dương dân chủ tư sản  là “dân chủ thuẩn túy” cho rẳng nhà nước tư sản là nhà nước dân chủ cho mọi giai cấp. Giai cấp tư sản tồn tại ở địa vị thống trị xã hội nhờ thực hiện bạo lực. Sau khi giành chính quyền, giai cấp tư sản đã thiết lập một bộ máy nhà nước mà thực chất là công cụ khổng lồ để trấn áp sự phản kháng của quần chúng nhân dân, duy trì sự bóc lột của chúng. Sự tồn tại của nhà nước tư sản chấm dứt khi có bạo lực cách mạng của giai cấp khác phá hủy nó. Vì thế cách mạng vô sản thành công khi phá hủy bằng bạo lực bộ máy nhà nước tư sản và thay vào đó bộ máy mới – bộ máy chuyên chính vô sản.

            Như vậy, bằng tài năng lý luận sắc bén, V.I. Lênin chỉ rõ “Cauxky đã xuyên tạc một cách chưa từng thấy khái niệm chuyên chính vô sản, bằng cách biến Mác thành một người thuộc phái tự do tầm thường , nghĩa là bản thân hắn đã rơi xuống hàng những kẻ thuộc phái tự do, những kẻ tuôn ra những lời tầm thường vô vị về “dân chủ thuần túy”, đã che lấp và xóa nhòa nội dung giai cấp của chế độ tư sản, đã sợ bạo lực cách mạng của giai cấp bị áp bức hơn tất cả mọi cái. Trong khi “giải thích” khái niệm “chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” sao cho gạt bỏ khái niệm đó việc dùng bạo lực cách mạng của giai cấp bị áp bức đối với những kẻ áp bức, Cauxky đã giật giải quán quân trên thế giới trong việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo quan điểm của phái tự do”([6]). Ở mục 1 Cauxky biến Mác thành một người thuộc phái tự do tầm thường như thế nào V.I. Lênin vừa là người kế thừa những quan điểm mácxít, vừa phát triển quan điểm mácxít trong thời kỳ mới – giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với những điều kiện kinh tế mới. Lênin thừa nhận quy luật của cách mạng bạo lực nhưng vẫn không phủ nhận khả năng thắng lợi cách mạng bằng phương pháp hòa bình. Từ thực tiễn chuyên chính vô sản nước Nga, những hoạt động chống phá cách mạng của bọn tư sản (cả về kinh tế và quân sự) đã buộc chuyên chính vô sản phải dùng bạo lực để tự vệ. Tuy nhiên, trong khi khẳng định tính tất yếu của chức năng bạo lực, thì tầm quan trọng của chức năng tổ chức xây dựng của chuyên chính vô sản  - đây là chức năng chủ yếu, bởi xét đến cùng nhân tố quyết định thắng lợi trật tự xã hội mới là năng suất lao động, là việc giai cấp vô sản tổ chức một nền sản xuất có năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. Chuyên chính vô sản không phải là mục đích tự thân mà là phương tiện để cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân giai cấp. Tuyệt đối phải nắm vững chuyên chính vô sản, đặc biệt là phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản để đi đến xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải xác định hai điều kiện tiên quyết là phát triển lực lượng sản xuất với trình độ cao và con người phát triển toàn diện. Và trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần có chiến lược phát triển hợp lý để xây dựng thành công công cuôc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thành công nếu giai cấp vô sản và nhân dân lao động biết bảo vệ sự nghiệp cách mạng, đập tan mọi phản kháng giai cấp, cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học. Bởi theo V.I. Lênin viết: “Bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản là cả một thời kỳ lịch sử. Chừng nào mà thời kỳ đó chưa chấm dứt, thì bọ bóc lột nhất định vẫn còn nuôi hy vọng phục hồi, và hy vọng này sẽ biến thành những mưu đồ phục hồi. Sau khi bị thất bại nặng nề lần đầu tiên, bọn bóc lột bị lật đổ… lao mình vào cuộc chiến với một nghị lực tăng gấp mười lần, với một sự cuồng nhiệt và lòng hận thù tăng gấp trăm lần, để chiếm cái “thiên đường” đã mất”([7]).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3.
  2. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19.
  3. Hội đồng lý luận Trung ương, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
  4. V.I. Lênin: Mác – Ăngghen – chủ nghĩa Mác, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976.
  5. V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.31.
  6. V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.34.
  7. V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.37.
  8. Nguyễn Quang Điển(chủ biên), Huỳnh Bá Lân, Phạm Đình Nghiệm, Nxb.ĐHQG TP.HCM, 2003.
  9. Trần Chí Mỹ, Trịnh Doãn Chính, Đinh Ngọc Thạch (chủ biên): Vấn đề Chủ nghĩa xã hội khoa học trong tác phẩm của C. Mác – Ph. Ăngghen – V.I. Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010


([1]) Xem: V.I. Lênin: Mác – Ăngghen – chủ nghĩa Mác, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 350-360.

([2]) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 48.

([3]) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19, tr. 47.

([4]­) V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.31, tr. 176. 

([5]) V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.34, tr. 268. 

([6]) Xem: V.I. Lênin: Mác – Ăngghen – chủ nghĩa Mác, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 360.

([7]) V.I. Lênin: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.37, tr. 320-321. 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Địa chỉ liên hệ: Văn phòng khoa Triết học A207, 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.    
Tự tạo website với Webmienphi.vn