Đăng nhập
Chào Mừng Các Bạn Đến Với Website Đoàn - Hội Khoa Triết HọcLaughing

Từ khóa
Danh mục

Bạn cần thông tin gì nhất từ website
Hoạt động đoàn - hội
Học Thuật
Kĩ năng
Học bổng - việc làm

BƯỚC NGOẶT CÁCH MẠNG, KHOA HỌC VÀ SÁNG TẠO TRONG SỰ RA ĐỜI CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Biện chứng ("dialectic") có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, và trở nên phổ biến qua những cuộc đối thoại kiểu Socrates của Platon. Phương pháp biện chứng có nền tảng từ những cuộc đối thoại giữa hai hay nhiều người với những ý kiến, tư tưởng khác nhau và cùng mong muốn thuyết phục người khác.

Biện chứng – hiểu theo Hegel - là phương pháp cho rằng một cái gì đó – cụ thể hơn, tư duy con người – phát triển theo một cách thức được đặc trưng bởi cái gọi là tam đoạn biện chứng: chính đề, phản đề và hợp đề.

Biện chứng – theo triết học Marx – là phương pháp xem xét các sự vật, hiện tượng trong các mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, trong trạng thái vận động, biến đổi, phát triển không ngừng.

“Phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy” 1  - Ph.Ăngnghen.

Trong tiến trình phát triển của mình, phép biện chứng trãi qua ba giai đoạn:

Phép biện chứng tự phát thời kì cổ đại thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật chất phát và phép biện chứng tự phát – là hình thức đầu tiên của phép biện chứng trong lịch sử triết học. Nó là nội dung cơ bản của nhiều hệ thống triết học ở phương Đông và phương tây. Phép biện chứng thời cổ đại đã nhìn thấy các sự vật, hiện tượng của vũ trụ sinh thành, biến hóa trong những sợi dây ràng buộc, liên hệ vô cùng vô tận. Tuy nhiên, đó là phép biện chứng của quá trình trực quan, trực kiến nên chưa đi sâu vào mổ xẻ các dạng tồn tại của vật chất. Phép biện chứng thời kì này chưa xây dựng thành một hệ thống lí luận, mới chỉ mô tả các yếu tố của phép biện chứng. Chưa nhận thức đầy đủ mâu thuẫn, các nhà triết học chỉ thấy cái đối lập mà chưa thấy được mặt đối lập. Mới chỉ ra bức tranh chung về vận động mà chưa chỉ ra các hình thức vận động cụ thể. Thấy cái chung mà chưa thấy được cái riêng, suy cái chung vào cái riêng, đồng nhất vật chất và vật thể. Không thấy được biện chứng tự nhiên và biện chứng xã hội, không thấy được biện chứng chủ quan và biện chứng khách quan. Phép biện chứng thời kì này chỉ thấy rừng mà không thấy cây.

Phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức được khởi đầu từ Cantơ và hoàn thiện ở Heghen. Hêghen là người đầu tiên xây dựng nên phép biện chứng một cách có hệ thống. Các nhà triết học duy tâm Đức mà đỉnh cao là Heghen đã xây dựng phép biện chứng duy tâm với hệ thống phạm trù, quy luật chung, có logic chặt chẽ của ý thức, tinh thần. Heghen đã đưa ra ba quy luật cơ bản của phép biện chứng: quy luật lượng, chất; quy luật mâu thuẫn;  quy luật phủ định của phủ định. Phép biện chứng duy tâm của Heghen thực chất là phép biện chứng duy tâm tư biện hay lí luận về phép biện chứng xuất phát từ tư duy, phép biện chứng của khái niệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tính chất duy tâm trong phép biện chứng của Heghen biểu hiện ở chỗ ông coi biện chứng là quá trình phát triển khởi đầu của “ý niệm tuyệt đối”, coi biện chứng chủ quan là cơ sở của biện chứng khách quan. Theo Heghen “ý niệm tuyệt đối” là điểm khởi đầu của tồn tại, tự “tha hóa” thành giới tự nhiên và trở về với bản thân nó trong tồn tại tinh thần.

Phép biện chứng duy vật được hình thành cùng với sự ra đời của triết học Marx vào những năm 40 của thế kỉ XIX. Phép biện chứng duy vật là một bộ phận lý luận cơ bản hợp thành thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Marx – Lênin, là học thuyết về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất vì thế phép biện chứng duy vật là công cụ quan trọng và đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới. Khắc phục những hạn chế của phép biện chứng tự phát thời cổ đại, kế thừa những tinh túy của phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức, phép biện chứng duy vật ra đời đã đánh dấu bước ngoặt cách mạng, khoa học và sáng tạo trong lịch sử phát triển của phép biện chứng.

Đầu tiên, phép biện chứng duy vật được xác lập trên nền tảng của thế giới quan duy vật khoa học – thế giới quan dựa trên sự khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ  XVII - XVIII – XIX.  Trong khoa học tự nhiên, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng tạo nên chất liệu sống cho sự lý giải mới toàn bộ thế giới vật chất, khẳng định rằng: thứ nhất, thế giới vật chất không chỉ được xác định là “không bị tiêu diệt” mà còn là một quá trình luôn trải qua sự liên hệ, tác động, chế ước, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các yếu tố trong mỗi sự vật, hiện tượng và giữa các sự vật, hiện tượng; thứ hai, do đó, cách hiểu “bảo toàn” phải gắn với cách hiểu về vận động, biến đổi, chuyển hóa. Thuyết tế bào khẳng định nguồn gốc tự nhiên của sự sống – là một bằng chứng khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của thế giới hữu cơ. Thuyết tiến hóa của Đácuynh diễn tả bức tranh sự sống vô cùng phong phú, phức tạp song tuân theo tính quy luật bên trong, khách quan vốn có của nó, trong đó có quy luật đấu tranh sinh tồn, tính thích nghi, tự đào thải, chọn lọc tự nhiên và cân bằng sinh thái. Khẳng định chân lý khoa học này cũng có nghĩa là bác bỏ quan niệm về nguồn gốc siêu nhiên của sự sống cũng như sự giải thích giản đơn, máy móc, siêu hình về thế giới đặc biệt là thế giới hữu sinh. Trong khoa học xã hội và nhân văn, thế giới quan duy vật tỏ ra hợp lý khi giải thích các vấn đề về tự nhiên nhưng còn duy tâm về mặt xã hội đòi hỏi trong nó bước ngoặt cách mạng từ trong phương thức tư duy.

Phép biện chứng duy vật ra đời đã chứng minh tính thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận: thế giới quan duy vật biện chứng trong sự thống nhất hữu cơ với phương pháp luận biện chứng duy vật. Phép biện chứng duy vật thừa nhận bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất và xem xét thế giới vật chất trong sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng, các yếu tố của thế giới vật chất tác động, chuyển hóa lẫn nhau thông qua những mối liên hệ giữa các mặt đối lập trong một tiến trình không ngừng đấu tranh – trong đó cái cũ mất đi, cái mới ra đời khác về chất so với cái cũ. Ngày nay, sự phát triển của khoa học tự nhiên đã chứng minh rằng từ những thành phần rất nhỏ của thế giới vi mô (electron, proton, lepton, mezon, barion, quark,…) đến những thành phần to lớn của thế giới vĩ mô (sao, hành tinh, thiên thể,…) đều được cấu tạo từ vật chất, vật chất vô cùng, vô tận về cấu trúc và dạng. Mọi quá trình biến hóa nhân quả vi mô đều tuân theo sự chi phối của quy luật lượng – chất (p + n 1H2 +γ; 92U235+ 0n1  36Kr91 + 56Ba14230n1,….). Vật chất với mâu thuẫn sóng – hạt, trường – chất (nghịch lý lượng tử) vừa liên tục, vừa gián đoạn, trong chất có trường, trong trường có chất. Phương trình hấp dẫn của Anhstanh biểu diễn mối quan hệ giữa vật chất, vận động, không gian – thời gian:

Rik = gikR =Tik,, trong đó Rik – tenxơ Ricci được gọi là tenxơ độ cong, gik - tenxơ metric đặc trưng cho hình học của không – thời gian, R – độ cong vô hướng của không gian, Tik, – tenxơ năng – xung lượng đặc trưng cho sự phân bố vật chất trong không – thời gian.

Phép biện chứng duy vật xem biện chứng khách quan quyết định biện chứng chủ quan, mặt khác biện chứng chủ quan cũng có tính độc lập tương đối của nó, trong biện chứng khách quan có sự tác động của biện chứng chủ quan, trong biện chứng chủ quan có sự quy định của biện chứng khách quan, điều đó thể hiện qua con đường biện chứng của nhận thức: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, khi đề cập đến hai phạm trù này, Ph.Aghghen viết: “biện chứng gọi là khách quan thì chi phối toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là phản ánh sự chi phối, trong toàn bộ giới tự nhiên,..” 2

Phép biện chứng duy vật là sự thống nhất giữa thực tiễn với lý luận. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Phép biện chứng duy vật trước Marx đều chưa thấy vai trò thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý, chưa nhận thức hết ý nghĩa thực tiễn cao nhất của triết học là hướng đến phát triển xã hội và giải phóng con người. Do đó, phép biện chứng trước Marx tách rời lý luận và thực tiễn. Phép biện chứng duy vật không chỉ là lý luận khoa học, phản ánh bản chất, quy luật của sự vận động và phát triển của thế giới, mà quan trọng hơn đó là học thuyết nhằm cải tạo thế giới. Vì vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của phép biện chứng duy vật. Marx viết: “vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn...Sự tranh cãi về tính hiện thực hay tính không hiện thực tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy” 3. Marx còn chỉ ra rằng: “các nhà triết học trước kia chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới” 4. Phép biện chứng duy vật ra đời đã “đem lại sự giận dữ và kinh hoàng cho giai cấp tư sản và bọn tư tưởng gia giáo điều của chúng…, vì trong quan niệm tích cực về cái hiện đang tồn tại, phép biện chứng đồng thời cũng bao hàm cả quan niệm về sự phủ định cái hiện đang tồn tại đó, về sự diệt vong tất yếu của nó; vì mỗi hình thái đã hình thành đều được phép biện chứng xét trong sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó, vì phép biện chứng không khuất phục trước một cái gì cả, và về thực chất thì nó có tính chất phê phán và cách mạng” 5

Phép biện chứng duy vật thống nhất giữa lí luận và phương pháp, lý luận của phép biện chứng duy vật đòi hỏi trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cần có quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển, trong quan điểm toàn diện đã có quan điểm lịch sử cụ thể, trong quan điểm lịch sử cụ thể đã có quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển cần dựa trên quan điểm khách quan, phát triển là khuynh hướng tất yếu của vận động trong hoạt động thực tiễn . Xem xét các sự vật hiện tượng trong nhiều mối liên hệ, trong từng hoàn cảnh, tình huống lịch sử cụ thể chính là bản chất linh hồn sống của phép biện chứng duy vật.

Phép biện chứng duy vật là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng. Cái riêng là cái toàn bộ còn cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc và bản chất hơn cái riêng, cái chung tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình, không có cái riêng tồn tại độc lập, tuyệt đối tách rời cái chung. Phép biện chứng thời cổ đại chỉ thấy cái chung mà không thấy cái riêng, đồng nhất vật chất và vật thể. Phép siêu hình trung đại chỉ thấy cái riêng mà không thấy cái chung cũng rơi vào sai lầm tương tự khi đồng nhất vật chất vào nguyên tử, khối lượng và xem xét nó trong trạng thái tĩnh tại, không phân chia. Phép biện chứng duy vật ra đời khẳng định vật chất là phạm trù chung nhất tồn tại thuần túy trong tư duy; tự nhiên, xã hội, con người và các vật thể chỉ là các dạng tồn tại cụ thể của vật chất.

Tính cách mạng của phép biện chứng duy vật thể hiện ở sự thay đổi - mà trong quá trình đó diễn ra sự cải tạo căn bản về chất so với những lý luận về phép biện chứng trước đó, sự thay đổi này thể hiện sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ, quá trình thay thế cái cũ bằng cái mới phù hợp với sự vận động, biến đổi và phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, tính cách mạng của phép biện chứng duy vật không tách rời tính khoa học của nó, tính khoa học đóng vai trò cơ sở của tính cách mạng, đảm bảo cho tính cách mạng gắn liền với sự sáng tạo và khả năng hiện thực hóa. Tính khoa học của phép biện chứng duy vật thể hiện ở sự khái quát một cách đúng đắn những quy luật vận động và phát triển chung nhất của thế giới, nó không chỉ là học thuyết về mối liên hệ và sự phát triển mà nó còn chỉ ra nguồn gốc, cách thức và khuynh hướng của quá trình phát triển. Bản chất khoa học của phép biện chứng duy vật không chỉ thể hiện ở hệ thống quy luật chung nhất của thế giới mà nó phản ánh, mà còn thể hiện ở chức năng thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong mọi hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Rõ ràng là, phép biện chứng duy vật đã đem lại cho khoa học hiện đại một phương pháp luận đúng đắn trong việc xem xét, lý giải bản thân sự phát triển của nó. Đó là chức năng luận chứng và giải thích khoa học, chức năng tổng hợp tri thức, định hướng và tiên đoán khoa học.  Không những thế, phép biện chứng duy vật ra đời trên cơ sở kế thừa hạt nhân hợp lí của những tư tưởng trước đó và kế thừa những thành tựu của khoa học tự nhiên trong khuynh hướng phát triển tiến bộ của tư duy thời đại với đối tương nghiên cứu riêng của mình. Đến lượt mình, phép biện chứng duy vật lại là cơ sở soi rọi chính học thuyết của K. Marx – "chúng ta không hề coi lý luận của Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng của môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống" 6 – Lênin. Không gì đúng đắn hơn là chính mình đã nhận thức được mình – điều làm nên tính sáng tạo của phép biện chứng duy vật đòi hỏi chúng ta xem xét triết học Marx nói riêng, chủ nghĩa Marx – Lênin nói chung như một hệ thống lý luận mở cần được bổ sung và phát triển đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Ngày hôm nay, khi mà khoa học – kĩ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, quá trình hiện đại hóa, tự động hóa diễn ra mạnh mẽ, quá trình mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế như một xu hướng tất yếu thì chúng ta ngày càng chứng minh một cách rõ ràng hơn bản chất cách mạng, khoa học và sáng tạo của phép biện chứng duy vật. Đúng là thời đại mà chúng ta đang sống ngày nay đã có rất nhiều khác biệt so với thời mà C. Mác, Ăngghen và Lênin đã sống, thực tiễn đang có những biểu hiện khác và đương nhiên những gì mà các nhà kinh điển Marxit nêu ra không thể bao quát hết sự vận động và phát triển không ngừng của thực tiễn lịch sử. Cần hiểu rằng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là phương thuốc vạn năng của mọi vấn đề thực tiễn, chủ nghĩa Marx – Lênin không nghĩ thay cho chúng ta, bản thân C. Mác, Ăngghen và Lênin cũng cho rằng học thuyết của các ông cần có sự bổ sung, phát triển trong điều kiện mới nhằm đáp ứng những nhu cầu mà thực tiễn đặt ra. Và hơn hết, trong điều kiện đó phép biện chứng duy vật đã tự soi rọi vào trong chính bản thân mình cũng như toàn bộ chủ nghĩa Marx – Lênin một cách nhìn biện chứng, đòi hỏi ở nó sự phủ định những phương án giáo điều, máy móc, siêu hình, chủ quan, duy ý chí. Nâng cao nhận thức, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Marx – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn thực tiễn mới để phù hợp với sự vận động và biến đổi của lịch sử chính là trân trọng và bảo vệ tinh thần cách mạng, khoa học và sáng tạo của phép biện chứng duy vật – điều đó cũng cần thiết cho sự vững chắc của một lập trường chính trị đúng đắn, trung thực và khoa học trước mọi luận điểm xuyên tạc của kẻ thù đối với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Người viết: Thạch Trần Thị Cầm – Hồ Văn Đựng

Lớp triết K31, khóa 2009 - 2013

Cước chú:

1 C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.201

                   2 Ph. Ăngghen (1971), Biện chứng của tự nhiên. Nxb. Sự thật, Hà Nội    

3 C.Mác và Ph.Ăngnghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t.3, tr. 9-10

4 C.Mác và Ph. Ăngnghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t.3, tr.12

5 C.Mác và Ph. Ăngnghen.Sđd., t.23, tr.35 – 36

6 V.I.Lênin. Toàn tập, t.4. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.232

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Địa chỉ liên hệ: Văn phòng khoa Triết học A207, 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.    
Tự tạo website với Webmienphi.vn