PHẦN MỞ ĐẦU
Lịch sử của xã hội loài người luôn tiến về phía trước, dường như muốn nhấn chìm tất cả vào sự quên lãng nhưng chúng ta vẫn ghi khắc sâu đậm cuộc lội dòng lịch sử vĩ đại của một nền văn hóa mà chính nó đã đánh thức cả châu Âu sau những dặm dài tăm tối của vòng quay lịch sử “Đêm trường Trung cổ”, đó là phong trào văn hóa Phục hưng. Trong không khí hừng hực của sự hồi sinh, châu Âu vươn mình đón nhận luồng sinh khí mới, tiến đến những cuộc cách mạng và trí tuệ con người. Châu Âu thời đại Phục hưng là giai đoạn mà con người khát khao vươn lên đạt đến những giá trị to lớn, mạnh mẽ, vĩnh hằng. Không khí của sự sôi nổi, đua tranh tìm tòi cái mới ngự trị trong tâm trí con người bao trùm khắp nơi. Người ta muốn khôi phục lại tinh thần ấy sau một ngàn năm bị bưng bít, kìm hãm, trói buôc. Loài người mãi cảm động và tự hào khi nhắc tên tuổi của những cây đại thụ như Leonardo da Vinci, William Shakespeare, Dante Alighieri, Francois Rabelais, Thomas More, Nicolo Machiavelli,… Phong trào văn hóa là bước khởi đầu để giai cấp tư sản đánh bại chế độ phong kiến và giáo hội Kito trên toàn cõi châu Âu và góp phần quan trọng vào quá trình giải phóng con người. Những con người vĩ đại thời Phục hưng đã đóng góp trí tuệ và tài năng tuyệt vời của mình bằng những tác phẩm và công trình bất hủ làm phong phú kho tang văn hóa nhân loại. Phong trào văn hóa không chỉ nhằm làm sống lại những tinh hoa củanền văn hóa khuôn vàng thước ngọc thời Hy – La cổ đại mà còn nảy nở trong lòng mình những bước đi về con đường phía trước. Chính phong trào này đã góp phần khép lại một giai đoạn tối tăm của lịch sử, đồng thời soi rọi, làm bừng sáng cho châu Âu tiến nhanh, tiến mạnh vào lịch sử cận đại. Đó là lí do thời đại này được thừa nhận là một trong những nền văn hóa rực rỡ của loài người. Thời kì Phục hưng là một bước chuyển mang tính tất yếu và bước ngoặc của thời đại. Bước ngoặc đó diễn ra trên mọi lĩnh vực, nó làm biến đổi sâu sắc đời sống vật chất tinh thần của xã hội châu Âu, phơi bày tính chất lạc hậu, lỗi thời của những thiết chế tinh thần, vật chất của chế độ phong kiến và của giáo hội. Phong trào này tạo nên đà phát triển, mang lại diện mạo mới, khởi sắc mang tính phồn vinh: “ Đó là thời đại của những con người khổng lồ, khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt lắm tài, lắm nghề, về học thức sâu rộng”. Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG 1. Văn hóa và Triết học văn hóa 1.1 Thuật ngữ văn hóa Văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, mỗi dân tộc, mỗi thời đại hầu như đều xác lập cho mình những quan niệm về văn hóa nhưng nội hàm mà người ta hướng đến chủ yếu là những giá trị hay sản phẩm riêng có của con người. Thuật ngữ văn hóa được sử dụng khá phổ biến, tuy vậy thật khó để thống nhất cách hiểu cách định nghĩa về văn hóa vì văn hóa chính là đối tượng của nhiều ngành khoa học riêng biệt. Những quan niệm về văn hóa đều cho thấy rằng nó là phương tiện phân biệt giữa con người và loài vật, văn hóa cho chúng ta thấy rằng con người là những sinh vật đặc biệt có khả năng sáng tạo, có nhân cách, có nhu cầu tự hoàn thiện bản thân. Một cách tiếp cận khác, văn hóa ngay từ đầu đã mang ý nghĩa khai phá, là cái đẹp mang tính giáo hóa con người, là các hình thức tổ chức đời sống xã hội, là giá trị vật chất lẫn tinh thần do con người từng xã hội cụ thể tạo ra để chỉ trình độ phát triển vật chất lẫn tinh thần nhằm phục vụ cho cuộc sống của họ. Theo giáo sư viện sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm: văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn. Văn hóa thường được chia ra làm hai lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, tuy vậy, sự phân chia trên chỉ mang ý nghĩa tương đối, yếu tố này là tiền đề, hình thức tồn tại của yếu tố kia chúng bổ sung và có mối liên hệ hỗ tương lẫn nhau. 1.2 Triết học văn hóa Văn hóa được chọn làm đối tượng của khá nhiều ngành khoa học, trong đó có triết học. Suốt một thời gian dài con người sống trong văn hóa, sáng tạo văn hóa nhưng không lấy nó là đối tượng nhận thức. Nhưng nhận thức là điều kiện để tồn tại văn hóa. Lịch sử văn hóa sẽ không đầy đủ nếu không có triết học về văn hóa. Trong khi khoa học về văn hóa hết sức phong phú và đa dạng thì chúng phải chịu ơn những phát hiện văn hóa trong triết học. Những phát hiện mà từ đó nảy sinh những tri thức về văn hóa. Nếu thiếu tư tưởng triết học, văn hóa sẽ hình dáng của một đối tượng nghiên cứu khoa học được chọn ra một cách tùy tiện của một khái niệm mang tính ước lệ. Các nhà khoa học sẽ cho ta biết văn hóa là gì? Nhưng chỉ có các nhà triết học mới cho ta biết văn hóa là gì với chúng ta và tại sao như vậy, đồng thời với quá trình đó là họ cũng thảo nên những tư tưởng về văn hóa. Triết học văn hóa khác văn hóa học ở chỗ: văn hóa học là sự hiểu biết, mô tả các nền văn hóa trên cơ sở so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa chúng. Triết học văn hóa là nhận thức văn hóa của con người về sự đồng nhất văn hóa hay nói cách khác là sự tự nhận thức văn hóa. Nhận thức triết học về văn hóa có sự khác biệt ở chỗ nó không tập trung chú ý vào sự vật thể hiện như thế nào trong thực tiễn quan sát bề ngoài mà vào những nguyên tắc cho phép chúng ta cho phép chúng ta xếp những vật này vào các phạm trù văn hóa. Nói cách khác, triết học không nghiên cứu văn hóa thuộc những hiện tượng mà nghiên cứu những tư tưởng, bản chất nội tại ẩn chứa trong những biểu hiện đó. Đối tượng của triết học văn hóa là hệ tư tưởng con người suốt quá trình lịch sử, những quy luật chung của văn hóa, tính kế thừa, thống nhất trong đa dang, tính nhân văn… Đối tượng của nó là những suy nghĩ khát vọng của con người trong hiện tượng văn hóa cụ thể. Triết học văn hóa là một sự nhân thức văn hóa về mặt triết học. 2. Phục hưng Khoảng năm 1300, nền văn minh châu Âu bắt đầu đi vào sự ổn định, một sự tự tin đáng mơ ước, tuy vậy trong chính thời khắc huy hoàng ấy lại báo hiệu một cái chết được xem là tất yếu của chế độ phong kiến cũng như nền văn hóa Trung cổ. Xã hội với một sự đồng thuận về niềm tin được dẫn dắt bởi giáo hội Kito, hoạt động học thuật cũng được giới hạn trong khuôn khổ của sự chú giải và tìm những minh chứng trong Kinh thánh và ngay cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng không thoát khỏi sự định hướng về niềm tin tôn giáo. Chính điều này, khiến các sử gia mô tả về thời đại này là một sự tổng hợp Trung cổ trên tinh thần Kito. Nhưng sự ổn định như vậy chẳng kéo dài được lâu, trong vòng vài thế hệ , những hoài nghi sâu xa về những vấn đề cơ bản như bản chất của niềm tin tôn giáo, thẩm quyền của Giáo hội, mục đích của hoạt động học thuật, nguồn gốc của các lý tưởng luân lý, đạo đức, tiêu chuẩn về cái đẹp trong sáng tạo và cảm thụ thẩm mĩ trong văn hóa nghệ thuật. Những thách thức hay nan đề này là một sự phản kháng những ý thức cũ, đặc biệt là trong thế giới tôn giáo, các học giả hướng đến một cách thức diễn đạt văn hóa hoàn toàn mới vượt qua cái bóng quá lớn của thời đại cũ. Một trào lưu sáng tạo sôi nỗi xưa nay chưa từng có đã xuất hiện khiến tất thảy mọi người đều kinh ngạc. Một sự khủng hoảng gắn liền với các giá trị đương thời, khiến cho tâm lý con người hướng về các truyền thống xưa cũ như tìm về cội nguồn của các giá trị lý tưởng, một quá khứ tốt đẹp, nơi các giá trị nhân văn sơ kì, các nền học thuật tinh hoa… Nhưng không chỉ là một sự hoài niệm về quá khứ vàng son người ta hướng đến việc làm sống lại các giá trị, vì những nỗ lực to lớn ấy, thời đại họ sống được gọi là thời đại hồi sinh hay Phục hưng. 2.1 Tiền đề kinh tế - xã hội cho sự ra đời văn hóa Phục hưng Châu Âu vào những thế kỉ XIII – XIV là một vùng nghèo nàn, chậm tiến về kĩ thuật kinh tế cũng như kém hiệu quả trong tổ chức chính trị nếu so sánh với các tiểu vương Ấn Độ hay các hoàng đế Trung Quốc. Thế mà trong vòng chưa hết một thế kỉ, người châu Âu đã tạo ra một cuộc bành trướng vô cùng to lớn, bước chân chinh phục của họ đặt đến khắp châu Á và châu Mỹ. Dân số gia tăng, nền kinh tế phát triển, những tiến bộ kĩ thuật đã tạo điều kiện mở ra các thị trường mới, các đế quốc mới. Thêm vào đó, những nhà lãnh đạo châu Âu lúc bấy giờ đang ấp ủ việc hiện thực hóa những cấu trúc chính quyền, các thể chế quyền lực tinh vi hơn bất kì nhà nước nào được xây dựng sau khi đế quốc La Mã thần thánh sụp đổ. Sự nổi lên của quyền lực thế giới mới xuất phát từ châu Âu là một sự chuyển biến đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử Tây phương, nguyên nhân của sự chuyển biến thần kì này đã khiến các sử gia tốn khá nhiều giấy mực. Trong một giai đoạn mà các dịch bệnh tấn công tràn lan vào châu Âu thì sự tổn thất về dân số được xem là điều hiển nhiên, nhưng có một điều giới sử gia Tây phương đã chắc chắn cũng trong khoảng thời gian đó dân số châu Âu đã tăng lên nhanh chóng. Sự gia tăng dân số cùng với phong trào khoanh chiếm lãnh địa đã tạo ra một cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn lên thành thị. Cùng với sự phát triển mau chóng của dân số thì thị trường tiêu dùng cũng được mở rộng một cách nhanh chóng, khối lượng thương mại và lợi nhuận kinh doanh cũng đã có những bước phát triển nhảy vọt. Đây chính là giai đoạn hoàng kim của ngành công nghiệp dệt, tơ lụa với sự ra đời của các công trường thủ công. Với sự ra đời của các phường hội như các chủ thể kinh doanh độc lập có sự chuyên môn hóa cũng như các tổ chức tài chính với các hoạt động tích lũy hay đầu tư thương mại đã bước đầu quá trình xác lập của nhủ nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng trong thương mại châu Âu chính thức bắt đầu khi khối lượng giao dịch thương mại gia tăng, xuất hiện các cơ chế điều phối các hoạt động kinh tế trên quy mô lớn cũng như sự ra đời của các hệ thống đại lý sản xuất và phân phối. Sự tham gia của các chính phủ với vai trò hỗ trợ và điều phối đã đẩy mạnh sự ra đời của một quan hệ xã hội mới trên cơ sở kinh tế đương thời, đó không gì khác hơn là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản là sản phẩm tất yếu của sự thay đổi trong nền kinh tế, đồng thời, là động lực, kích thích tố đẩy nhanh sự thay đổi đó. Chủ nghĩa tư bản không chỉ được hiểu đơn thuần là một hệ thống kinh tế, một cung cách ứng xử trong quan hệ giữa người với người trên thị trường mà còn biểu thị khả năng tích lũy và tập trung nguồn vốn để tạo ra những giá trị lợi ích tăng thêm vô cùng lớn. Trong giai đoạn này, các thương nhân đường dài hoạt động trên lĩnh vực hàng hải hay ngoại thương chính là biểu hiện rõ nét nhất của các nhà tư bản sơ kì. Tài sản mà họ tích lũy được và khát vọng về sự tăng lên về giá trị của cải trở thành kích thích tố cho sự phát triển của nền kinh tế. Những khát vọng này khát xa so với một mô hình kinh tế tự cấp tự túc của các lãnh địa, mô hình kinh tế đang thống trị toàn bộ nền kinh tế châu Âu lúc bấy giờ. Các cuộc phát kiến địa lý với tư cách là sự mở rộng của thương mại và hàng hải… Chế độ phong kiến đang bước vào thời kì phát triển cuối cùng với những điều chỉnh nhất định trong đường lối chính trị mà biểu hiện rõ nét nhất chính là các rào cản đối với hoạt động sáng tạo được gỡ bỏ hoặc nới lỏng. Một số nước cộng hòa được xác lập tại Italia mô phỏng theo nhà nước cộng hòa Roma cổ đại. Cơ cấu xã hội thay đổi, giai cấp tư sản và cùng với nó là lực lượng tiền thân của giai cấp vô sản được hình thành mặc dù cơ sở kinh tế còn non yếu. Tầng lớp tri thức phi tôn giáo, vốn xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau tập trung trong các nghiệp đoàn tự do tích cực truyền bá những tư tưởng tiến bộ. Họ chính là nhân văn tiêu biểu của thời đại, đóng vai trò to lớn trong việc thể hiện diện mạo văn hóa Phục hưng, thúc đẩy cá nhân phát huy tư chất của mình trong một xã hội mà quyền uy của giáo hội đã không còn mạnh mẽ như trước nữa. Thời kì Phục hưng được biết đến với sự nở rộ của các phát minh trong khoa học, khoa học tự nhiên, đặc biệt là thiên văn học đạt được nhiều thành tựu. Sự ra đời của thuyết Nhật tâm Copernic cũng như các phát hiện thiên văn của Galileo đã làm lung lay nền chuyên chính tinh thần của xã hội phong kiến. Nhưng ba trụ cột phát minh từ nghề in, la bàn, thuốc sung đã đưa cả châu Âu bước vào một giai đoạn mà các sử gia đang cố gắng lí giải về sự thần kì của nó. Chính những biến đổi cũng như thành tựu mới đã tạo điều kiện cho phong trào văn hóa Phục hưng phát triển và khẳng định ý nghĩa của mình trong dòng chảy của lịch sử văn hóa nhân loại. Chương II: VĂN HÓA PHỤC HƯNG DƯỚI GÓC NHÌN TRIẾT HỌC 1. Chủ nghĩa nhân văn Có thể bắt đầu việc nghiên cứu thuật ngữ này thông qua việc xác lập một mô hình học thuật mới của thời đại Phục hưng. Mặc dù, những phương pháp học tập truyền thống vẫn còn sống động trong giai đoạn thế kỷ XIV –XV nhưng phương pháp thống trị lúc bấy giờ chủ yếu là nền học thuật kinh viện vốn là hình thức lý luận tinh xảo khá xa lạ với đám đông nhìn chung hạn chế về kiến thức. Chương trình học thuật này chủ yếu được thiết kế phục vụ cho nhu cầu của giới giáo sĩ cũng như các nhà thần học, trong khi nhu cầu của thực tiễn lại hướng về tính hữu dụng của nghệ thuật truyền giảng và tranh biện. Và theo đánh giá của các học giả đương thời nền học thuật kinh viện đã thất bại trong việc hướng dẫn luân lý. Petrarch – người được xem là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng – đã nhấn mạnh: giáo dục được đặt ra là để giúp con người sống khôn ngoan, đạo đức và hạnh phúc. Và mục đích chính của thời Phục hưng chính là phát triển hệ thống giáo dục để hoàn thành một cách hoàn hảo nhiệm vụ đó. Sự phát triển nghệ thuật truyền giảng và tranh biện trong thực tiễn nước Ý dựa trên những chuẩn mực trong học thuật Hy – Lạp cổ lúc đầu xuất phát từ sự tương đồng về ngôn ngữ và sự hiện diện của những bản thảo viết tay trong các đền đài cổ khắp đất nước. Về sau các nhà hùng biện tạo nên một phong trào dưới tên gọi là nhân văn. Thực ra, thuật ngữ nhân văn chưa hình thành ngay trong thời kì này mà mãi đến thế kĩ XIX. Tuy vậy, trong thời kì này ở Ý đã có thuật ngữ, “humanista” dùng để chỉ các giáo sư về nhân văn hay các học giả cổ điển. Dần dần thuật ngữ được xác lập với ý nghĩa là nền học thuật cổ điển, khả năng đọc hiểu và bình chú các tác phẩm cổ điển. Nền giáo dục nhân văn được xây dựng đã giúp cho giới trí thức trẻ tinh thông các tác phẩm cổ điển nhờ đó họ không chỉ học được cái khôn ngoan trong tư tưởng mà còn học được cách để thuyết phục người khác cũng sống như vậy. Tư tưởng nhân văn thật ra đã tìm cách làm phong phú hơn là làm xóa mòn các quan điểm tôn giáo truyền thống. Cách hiều thời nay cho rằng, chủ nghĩa nhân văn biểu thị triết lý thế tục từ chối sự sống đời sau, sự cứu rỗi là không có nền tảng trong thời Phục hưng. Vì các nhà nhân văn Phục hưng vẫn say sưa đọc và nghiền ngẫm tư tưởng các giáo phụ chẳng kém việc đọc các trước tác của các nhà ngoại giáo và luôn tin rằng những đức tính cao cả nhất bao hàm lòng đạo đức và sự khoan dung nền tảng trong triết lý Kito giáo. Chủ nghĩa nhân văn, xuất phát từ Ý và dần dần lan tỏa khắp châu Âu là phong trào học thuật mạnh mẽ nhất trong những phong trào trí tuệ dưới ánh sáng Phục hưng. Những nhà nhân văn thời Phục hưng là những người đầu tiên đặt ra và sử dụng thuật ngữ này. Một người được xem là một học giả về nhân văn trong nguyên nghĩa của từ này chính là người xem sự học, ham mến tri thức xoay quanh một chương trình nghiên cứu cổ điển mà ngày nay chúng ta gọi là nghiên cứu cổ điển. Chủ nghĩa nhân văn được công nhận chính vì tạo nên một dòng chủ lưu đặc sắc trong lịch sử triết học phương Tây. Trước hết, các nhà nhân văn nghiên cứu văn học cổ đại tạo ra những cách tiếp cận dễ dàng và trực tiếp hơn đối với các danh tác. Thêm vào đó, các nhà nhân văn xem văn học cổ điển như một phương tiện truyền bá triết học tạo tiền đề cho một cuộc nổi dậy có ý thức chống lại những cuộc tranh luận học thuật thuần túy ngôn ngữ đối với hai phái Duy thực và Duy danh đại diện cho một phương pháp học tập kinh viện. Hơn nữa, chính phong trào nhân văn đã xác lập một mô hình cổ điển, một hiện thân của khuôn vàng thước ngọc cho nền giáo dục phương Tây trong nhiều thế kỷ sau này. Trong ý nghĩa phái sinh của mình, thuật ngữ nhân văn đã quen thuộc với ý nghĩa mà ngày nay chúng ta vẫn dùng, tức là sự nhấn mạnh đến vai trò trung tâm và giá trị của con người. Điều này được thể hiện trong các tác phẩm văn chương triết học, các nhà nhân văn chủ yếu tập trung vào các chủ đề và luận đề hướng đến bản chất luân lý phô bày những ảnh hưởng mang tính chuẩn mực của văn hóa Hy – La về cả hình thức lẫn nội dung. Các chủ đề được bàn luận thường xoay quanh: thiên mệnh – số phận, tính giá trị của cuộc sống trần thế - thế giới tu hành, hạnh phúc – khổ đau trong cuộc sống, và quan trọng nhất, tốn nhiều giấy mực nhất chính là phẩm giá con người. 1.1 Bước ngoặc nhân văn sơ kì trong tư tưởng của Dante Alighieri Dante Alighieri (1265 – 1321) là một thi nhân vĩ đại của Italy trong thời kì Trung cổ, bước sang thời kì văn hoá phục hưng và cũng là bậc thầy văn chương lớn của thế giới. Với vai trò người đi đầu, tác phẩm của ông tuy vẫn còn rơi rớt thế giới quan thần bí thời Trung cổ nhưng rõ ràng đã lấp lánh tinh thần của thời đại mới và cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài năng cũng như những cống hiến to lớn của ông cho thi ca Italy và thi đàn nhân loại. Trong suốt thế kỉ XIII, những áng văn chương kiệt xuất đều được sáng tác dưới lớp ngôn ngữ mẹ đẻ, trừ sự phát triển tương đối chậm của ngôn ngữ Anh khi bị thống trị bởi giới quý tộc vùng Normandy nói tiếng Pháp. Kiệt tác Thần khúc của Dante Alighieri ra đời đã khắc họa rõ nét, phản ánh tương đối đầy đủ nền văn hóa của thời đại cực thịnh của xã hội đương thời, được xem là một trong những tác phẩm viết sử bằng thơ hay nhất mọi thời đại. Hai cảm nghiệm trong cuộc đời Dante đã ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ của ông được phản ánh trong tác phẩm này. Đầu tiên, có thể kể đến tình yêu trong sáng, sâu nặng và không kém phần mãnh liệt thời niên thiếu của ông với Beatrice Portinari. Kế đến, một cảm nghiệm đau thương khác khi bị trục xuất khỏi quê hương Florence vì lí do chính trị. Tác phẩm nổi tiếng mà ngày nay chúng ta quen gọi là Thần khúc được ông gọi là hài kịch, theo nguyên nghĩa cổ điển của từ này là bất một cốt truyện dù nghiêm túc hay li kì đến đâu cũng được kết thúc bằng một đoạn kết có hậu. Tính từ divine mang ý nghĩa thần thánh chỉ được hậu thế thêm vào sau khi ông đã tạ thế. Tác phẩm này được chia làm 3 phần mô tả cuộc hành trình của nhà thơ qua địa ngục, luyện ngục và thiên đàng. Nội dung xuyên suốt của tác phẩm chính là việc tìm lại ý nghĩa của những cảm xúc vui sướng và hòa hợp trước kia. Phần mở đầu của tác phẩm mô tả cuộc sống trần thế đầy tối tăm, sự tràn ngập của hoài nghi, sự quấy rầy của những nguy hiểm và sự dối trá gần kề. Những ẩn dụ về một cuộc sống ngột ngạt đương thời được ông diễn tả với những xúc cảm mạnh mẽ nhất. Đóng vai trò dẫn dắt ông trở lại với sự yên bình bị đánh mất là thi hào La Mã Virgil, người tượng trưng cho lý trí con người, đưa ông vượt qua địa ngục, sau qua đến ngọn núi 7 tầng luyện tội để hướng đến thiên đàng trần thế, vườn Eden bị mất. Ở địa ngục Virgil đã cho nhà thơ của chúng ta thấy, những kẻ đã chọn mục tiêu tối cao của cuộc đời mình là một cái gì đó khác với tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa – sự giàu sang, lạc thú, danh vọng, quyền lực, ý nghĩa cuộc sống chẳng phải là những dục vọng tầm thường đó, một cuộc sống tốt lành không thể được xây dựng dựa trên những sự lựa chọn ích kỷ như vậy. Nói một cách khác, lý trí làm cho con người có thể tránh được những cạm bẫy của cuộc sống vật chất cũng như những dục vọng thấp hèn, thực ra hình tượng lý trí có thể làm được nhiều hơn thế, khi dẫn dắt Dante qua chốn luyện ngục và chứng tỏ rằng thiên đàng được xây dựng qua các bản tính tự nhiên thuần phát nhất của con người. Bằng phẩm cách và quyền lực đã giao cho Virgil, Dante đã chia sẽ về sự tôn kính của bản thân đối với quan niệm về lý trí trong thời đại mình. Tuy nhiên, lý trí không thể dẫn dắt người ta đi quá xa, buộc phải dừng lại trước cánh cửa của thiên đàng để nhường chỗ cho Baetrice – đại diện cho niềm tin, tình yêu, sự thiên khải hay ân sủng tự nhiên. Nàng đã đưa Dante đến trước mặt Thiên Chúa nơi nhà thơ đã cảm nhận được sự yên bình như là đã trở về được với chính bản thân mình. Sự yên bình, thanh thản và niềm hoan lạc cuối bài thơ là một sự tương phản với những gì đã diễn ra trong khu rừng tăm tối phần khởi đầu. lại một ẩn dụ thể hiện ước vọng thoát khỏi hiện thực được vang lên nhưng lần này đã thi vị và nhẹ nhàng hơn. Thần khúc đã phản ánh những vấn đề văn hóa trọng đại, những vấn đề đã thách thức suy nghĩ của không ít nhà trí thức đương thời về mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin, giữa thiên nhiên và sự ân sủng, giữa quyền lực con người và ý chí thần thánh. Cũng như St. Thomas Aquino, Dante đã cố gắng tạo ra sự hòa hợp giữa bản chất và năng lực làm chủ vận mạng của chính mình, giữa lý trí và niềm tin. Tuy vậy, ông cho thấy rõ sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lạc quan thế kỉ XII – XIII và di sản cổ điển xa xưa hơn, khi nhìn nhận, con người là chủ nhân của chính họ và thế giới. Thần khúc của Dante Alighieri đã không chỉ tóm tắt toàn cảnh xã hội thực cũng như đời sống tâm linh mà còn nêu lên sự đánh giá của ông về ý nghĩa đời sống, và khát vọng về một sự thông thái, hạnh phúc đích thực. Một thái độ trân trọng đối với nền văn hóa đã qua cần được hồi sinh, về các nhà tư tưởng khiến cao xanh phải muôn phần ưu huệ, một tư tưởng tiến bộ ẩn dưới lớp vỏ tôn giáo thần bí, những tiếng gào thét, day dứt về nỗi đau thời đại của Dante, dù một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân cũng gióng lên hồi chuông về sự thức tỉnh của toàn bộ xã hội châu Âu, để có một cuộc ngược dòng lịch sử vĩ đại nhất mang tên Phục hưng khi con người với tư cách cá nhân sáng tạo được sinh ra một lần nữa. 1.2 Con người – thước đo của mọi giá trị 1.2.1 Sự trở về với các giá trị nhân văn thời Hy Lạp – La Mã Ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình xác lập tư tưởng nhân văn thì các học giả thời Phục hưng đã lấy Hy Lạp làm điểm tựa và khởi nguyên cho mạch nguồn sáng tạo những giá trị cho thời đại mới. Niềm cảm hứng này không chỉ dừng lại ở sự tương đồng về ngôn ngữ cũng như sự phong phú của các trước tác mà chính là ở sự chuẩn mực trong phong cách tư duy và sự đa dạng trong việc lựa chon cũng như cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Có thể khẳng định thời đại Phục hưng là sự trở về với các giá trị nhân văn thời Hy – La cổ đại ngay từ xuất phát điểm của thuật ngữ humanista. Tuy vậy, không chỉ dừng lại thuần túy về mặt thuật ngữ mà trong cả nội dung tư tưởng cũng được xây dựng trên linh hồn sống của triết học Hy – La. Những giá trị nhân văn trong tư tưởng Hy Lạp cổ đã hiện diện trong hình tượng của một vị thần dành tình yêu thương cho con người dù phải chịu đựng một hình phạt vô cùng khủng khiếp khi hàng ngày bị ác điểu ăn nội tạng của mình. Nam thần ấy không ai khác chính là Prometheus, người đã mang ngọn lửa thần thiêng của cung đình Olympus trao cho loài người với ý nghĩa ban đầu như một vũ khí bảo vệ cho chính mình. Vì việc làm chính nghĩa cũng như tình yêu vô hạn mà ngài dành cho con người, Prometheus trong văn hóa Hy Lạp được xem là biểu tượng thần thiêng của tinh thần nhân văn, là vị thánh cao thượng nhất, một tấm gương về sự tuẫn tiết trong lịch sử triết học. Vượt qua một chặng đường dài của lịch sử, vị trí con người trong thần thoại dần được thay thế cho sự quan tâm về bản nguyên thế giới, hay mô tả một bức tranh chung về vật lý. Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ chuyện, một trong bảy nhà thông thái của Milet là Thales, đã bị chính cô hầu gái của mình cười nhạo khi mãi đi tìm kiếm những thứ ở trên trời mà tách rời hiện thực đến nỗi phải xa chân vào miệng hố. Tuy vậy, phải rất lâu sau đó, Protagore một nhà Biện thuyết mới đưa ra quan điểm về Con người là thước đo của vạn vật. Bước ngoặc cách mạng về con người chỉ thật sự diễn ra ở nhà hiền triết Socrates khi ông nhấn mạnh đến câu châm ngôn trên cổng đền Apollo ở Delphil “Hãy tự biết mình”. Cũng không thể không nhắc đến nguyên tử luận của Epicure một minh chứng hùng hồn cho cái gọi là tinh thần dũng cảm trong triết học, ông đã dám đứng lên chống lại thế giới quan của toàn thể nhân dân Hy Lạp khi tiến hành nhân bản hóa học thuyết về nguyên tử, kết hợp nó với duy cảm luận, chủ nghĩa khoái lạc. Cả học thuyết của ông hướng con người đến một nghệ thuật sống đẹp, hạnh phúc, biết hưởng thụ cũng như tự điều chỉnh bản thân, trong đó sự thanh thản tâm hồn là liệu pháp hiệu quả nhất cho một thế giới đầy bất trắc. Trong dòng của cuộc vận động tư tưởng trở về với những giá trị truyền thống, Francesco Petrarch nổi lên như một nhà nhân văn hàng đầu khai sinh cho một trào lưu tư tưởng để lại dấu ấn không thể phai mờ trong nền học thuật Tây phương. Petrarch (1304 – 1373) vốn là một luật gia, một giáo sĩ nhưng lại cống hiến trọn đời cho việc viết các khảo luận về luân lý, các học thuyết đạo đức, cũng như nghệ thuật tu từ và thơ ca. Ông trở nên nổi tiếng nhờ việc viết các bản sonnet tạo cảm hứng cho biết bao thi sĩ trong nhiều thế kỉ, nhưng trên hết là các sử thi Latinh dựa trên nguồn cảm hứng từ Virgil – một đại thi hào La Mã. Nhưng tại sao ông lại kêu gọi mọi người trở về với các giá trị Hy – La cổ? Không khó để trả lời điều này khi đọc cuộc đối thoại của ông với giáo phụ Augustine vĩ đại trong kiệt tác Bí mật đời tôi. Một khát vọng hướng đến sự thanh thản, an bình vượt lên khỏi những cám dỗ trần tục như danh vọng hay tình yêu, nhưng tất cả thế gian này chẳng có một hình mẫu lý tưởng nào để noi theo khi giáo hội cũng chỉ là hiện thân cho những tham vọng tầm thường. Theo Petrarch, suối nguồn Hy – La với những giá trị, những tấm gương về đời sống luân lý chính, sự tuẫn tiết vì khát vọng của các giáo phụ là đích đến của mọi hoạt động văn hóa, học thuật. Một người tốt và hoàn hảo về mặt nhân cách, theo Petrarch, phải được xây dựng, mô phỏng theo hình ảnh của Ciceron hay St. Augustine, hiện thân cao quý của việc suốt đời theo đuổi khát vọng. Ông cho rằng giáo dục phải làm được nhiệm vụ dạy cho mọi người hiểu và vận dụng những gương sáng về học thuật cũng như đạo đức, luân lý. Hoạt động hùng biện với sự tinh thông ngôn ngữ và các trước tác, khả năng truyền đạt ý tưởng là một trong những phương tiện để giáo dục mọi người theo cung cách của các bậc tiền nhân. Những nỗ lực không mệt mỏi của Petrarch đã được đền đáp xứng đáng, chẳng bao lâu sau chương trình của ông được bừng lên ở chính Florence, thành phố quê hương của dòng tộc mình, thủ đô văn hóa của nước Ý, là nơi ông tìm thấy những bằng hữu và môn đệ có ảnh hưởng to lớn đến thời đại. Một trong số đó, không thể không kể đến Giovanni Boccacio (1313 – 1375), một nhà hoạt động giáo dục gắn liền với các giá trị luân lý, người ủng hộ mạnh mẽ và góp phần hiện thực hóa những ý tưởng của Petrarch. Ở Florence, Boccacio nổi tiếng với bộ truyện ngắn Decameron, mô tả một cuộc hành trình của một nhóm thanh niên trên đường trốn chạy trận dịch hạch năm 1348. Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên bằng tiếng Ý, những nét phá cách đầy táo bạo khi miêu tả về khát vọng trần tục cũng như tình dục đã khiến Decaremon trở thành một trong những tác phẩm lớn đầu tiên của nền văn học phương Tây, tuy vậy tác phẩm này chưa hẳn hướng đến sự khai mở về nhận thức mà đơn thuần chỉ phục vụ cho sự trở về với chủ nghĩa Khoái lạc thời Hy – La cổ. Chắc chắn rằng chưa thể nào xác lập được sự hàm ơn to lớn của các triết gia thời sau dành cho các triết gia thời Phục hưng. Tuy nhiên có thể thấy rằng những diễn biến chính yếu của thời đại này trên cơ sở kế thừa tinh thần thời cổ đại đã là điềm báo cho sự mở rộng những tư duy học thuật cho thời đại kế tiếp. Trong những thế kỷ tiếp theo trường phái nhân văn đã truyền lại di sản về tinh thần nghiên cứu kinh điển và phương pháp học thuật trong nghiên cứu các trước tác. Tư tưởng của trường phái Tân Platon có thể được xem là nền tảng để hướng thẳng vào vào siêu hình học của các triết gia duy tâm thời đại sau. Hơn nữa chủ nghĩa duy lí được phát hiện trong tất cả các học thuyết triết học lẫn tôn giáo sẽ đưa đến cách diễn đạt một cách sáng tỏ về tôn giáo tự nhiên cũng như tinh thần khoan dung. Về nhiều mặt các triết gia Phục hưng đã có sự đóng góp phần hồi sinh học thuyết Aristotle để lại những di sản quý báu cho sự phát triển của chủ nghĩa tự nhiên và các tư tưởng về tự do hay những ý tưởng về chính trị hiện đại. Và cuối cùng không thể không kể đến tinh thần khoa học tự nhiên thời Hy Lạp đã là nguồn cảm hứng cho cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên thời Phục hưng, một cuộc cách mạng trên trời đã tạo ra cơn địa chấn về vật lý và thiên văn mở đường cho một thời đại với sự thay đổi toàn diện. 1.2.2 Con người chủ thể và khách thể của hoạt động lao động – sáng tạo Khi uy tín của phong trào nhân văn được nâng cao, làn sóng này lan rộng mạnh mẽ khắp nước Ý và các nước châu Âu. Điều này được thể hiện ở việc một thư viện lớn lưu giữ các bản thảo thời Hy – La được xây dựng ở nước Ý dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng Nicholas V trị vì trong giai đoạn 1447 – 1455. Những gia đình quyền thế ở Mantua hay Urbino cũng trở nên nổi tiếng nhờ sự bảo trợ cho các nhà nhân văn. Các hoạt động học thuật, văn chương vốn chịu ảnh hưởng của các khuôn thước cổ điển từ nội dung đến hình thức đều lấy con người như là đối tượng của mọi sáng tạo. Những đề tài thế tục hoàn toàn xa rời các mục đích tôn giáo bắt đầu xuất hiện và dần lan rộng trong dân chúng. Con người chính là nguồn cảm hứng vô tận của mọi hoạt động sáng tạo. Một khuynh hướng khác được đưa ra nhấn mạnh rằng con người cần tham gia vào những công việc chung với vị thế của một công dân mới có thể hoàn thiện được bản thân mình, thay cuộc sống chiêm nghiệm bằng những hoạt động thực tiễn. Điều này đã được Petrarch đề cập, tuy vậy ông chưa đưa ra một định hướng rõ ràng. Những nhà nhân văn sau ông đã lý luận rằng chỉ khi tham gia vào đời sống xã hội, tìm kiếm những mục tiêu cao hơn cho chính cộng đồng và bản thân mình thì mỗi cá nhân mới hoàn thành được khát vọng về sự tự hoàn thiện. Các nhà nhân văn công dân chứng minh rằng chính thể cộng hòa là hình thức tốt nhất, vì nếu các công dân có học thức mà không sử dụng sự khôn ngoan của mình để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người thì những hiểu biết về luân lý của họ cũng hoàn toàn vô nghĩa và chẳng mang lại lợi ích gì. Đây chính là những bài học được rút ra từ các tác phẩm cổ điển của Platon, Aristotle, Ciceron khi bàn về chính trị, chỉ cần một phương pháp lập luận liên kết các nhà nhân văn đã bảo vệ được sự học hỏi các giá trị của người xưa cũng như gián tiếp thừa nhận sự tồn tại hợp lý của thể chế cộng hòa ở Florence, tính ưu việt của đời sống hoạt động với tư cách là một công dân. Hoạt động của con người sẽ chính là thước đo cho mọi chuẩn mực khi ý nghĩa của những hoạt động hiện thực chắc chắn cao hơn sự chiêm nghiệm thuần túy về đạo đức. Những hoạt động của nhà nước, các lễ nghi tôn giáo đều là hiện thân cho sự thể chế hóa các khát vọng về quyền lực hay niềm tin của bản thân con người. Có lẽ, giáo dục lĩnh vực là hoạt động hiệu quả nhất và trực tiếp nhất chính của phong trào nhân văn. Các học giả nhân văn Bắc Ý đã thành công trong việc tổng hợp những ý tưởng tản mác của các nhà nhân văn sơ kì như Dante Alighieri, Petrarch, Boccacio thành một giáo trình thực tiễn. Các cuộc tranh luận về cải cách những phương pháp giáo dục đã đem lại mô hình trường học trong thực tiễn tương đối hoàn chỉnh, rất tiến bộ so với mô hình giáo dục kinh viện đã thống trị châu Âu trong suốt lịch sử thời Trung cổ. Mô hình giáo dục Ngôi nhà Hạnh phúc – Casa Giocosa - ở Mantua đã tạo ra chuẩn mực cho nền giáo dục nhân văn trên toàn châu Âu, với nội dung học tập đa dạng, chú trọng các kĩ năng và tư duy sáng tạo của người học, với phương châm giáo dục để phát triển toàn diện từ thể chất, đạo đức luân lý vào giao tiếp xã hội mà không phân biệt sang hèn hay giới tính. Khát vọng của các nhà nhân văn khi xây dựng mô hình này chính là hướng đến tính đại chúng của giáo dục và khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Thái độ ngày càng thán phục các nhà nhân văn cũng như các tư tưởng cách tân của họ đã khiến cho sự nở rộ của văn chương và nghệ thuật. Một gia đình quyền thế không chỉ được nể trọng bởi uy danh và địa vị của họ mà còn được đánh giá rằng họ đã có sựu liên hệ hay bảo trợ như thế nào đối với tư tưởng nhân văn. Các tư tưởng của các nhà nhân văn công dân được đề cập đến ở phần trước đã có những ảnh hưởng đến việc chế định và hình thành những nguyên tắc của luật pháp được thừa nhận ở nhiều quốc gia. Sự dấn thân vào các hoạt động xã hội của con người được xem là yếu tố tiêu chuẩn cho việc đánh giá về đạo đức, luân lý. Song hành với chủ nghĩa nhân văn công dân hướng đến hoạt động hiện thực của con người, các triết gia thuộc trường phái Tân Platon Florence đã mạnh dạn đưa ra những ý tưởng khám phá mới về chân lý, về sự hoàn thiện trong bản chất con người. Phong trào này đã thực sự cho thấy sự nghiên cứu và khảo cứu các giá trị Hy Lạp – La Mã một cách có hệ thống. Người tài ba nhất trong trường phái này không thể không nhắc đến Marsilio Ficino, người đã chứng minh giá trị con người thông qua lý giải về học thuyết linh hồn bất tử và cao quý của Platon. Để tăng cường sự quảng bá những tư tưởng này, Ficino đã dịch tất cả các đối thoại của Platon và thậm chí là của các môn đệ của ông sang tiếng Latinh. Giống như xu hướng chung của các nhà triết học và thần học thời kì này, Ficino cũng có một nỗ lực đầy tham vọng là sẽ hòa giải giữa lý trí và niềm tin mà việc làm đầu tiên là hòa giải học thuyết Platon và tư tưởng Kito giáo. Cùng thuộc trường phái Tân Platon Florence với Ficino, bá tước Giovanni Pico della Mirandolla cũng mang trong mình hy vọng về sự hòa giải các trường phái triết học để chứng tỏ rằng tồn tại một chân lý duy nhất đằng sau mọi sự tra vấn triết học. Luận cương 900 điều của ông ra đời là một minh chứng cho nỗ lực này, tuy nhiên, vì những quan điểm mang tính dị giáo và tư tưởng mang tính phiềm thần nên những tranh luận của ông không được phổ biến. Dẫu vậy, bài dẫn luận “ Bàn về phẩm giá con người” của Pico della Mirandolla đã cho thấy ý tưởng của chủ nghĩa lạc quan của những nhà nhân văn đối với tiềm năng của mỗi con người cá nhân trong quá trình lao động và sáng tạo. Cả Marsilio Ficino và Pico della Mirandolla đêu khởi đầu học thuyết của mình bằng hai khẳng định cốt yếu: Một là, toàn bộ vũ trụ được sắp xếp theo một trật tự hoàn hảo, sự hiện diện của Thiên Chúa đảm bảo cho sự vận hành một cách ổn định của thế giới. Hai là, mỗi hữu thể trong vũ trụ, trừ Thiên Chúa, đều bị thôi thúc bởi ham muốn tự nhiên để tìm kiếm sự hoàn hảo, nói cách khác, nó được thúc đẩy để đạt được sự chiêm nghiệm và cao hơn là sáng tạo cái đẹp. Pico della Mirandolla diễn tả con người là hữu thể độc đáo ở chỗ con người được đặt giữa vũ trụ, liên kết giữa thế giới thần thánh trên cao và thế giới vật chất bên dưới. Theo ông, tự do sẽ giúp con người tìm kiếm sự hoàn hảo ở bất kì chiều hướng nào, con người được tự do để sáng tạo và tận hưởng mọi thứ. Một nền đạo đức trong sáng và có giá trị phải xuất phát từ luận điểm này. Cuộc sống hiện thực là nơi con người nỗ lực để đạt được sự hoàn hảo cá nhân và giá trị cao nhất mà con người hướng tới là chiêm nghiệm cái đẹp đồng thời với sáng tạo nó. Những kiến giải của trường phái Tân Platon về giá trị và phẩm giá con người của các nhà nhân văn Florence đã tạo ra sự ảnh hưởng to lớn đến quan điểm nghệ thuật cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn trong giai đoạn kế tiếp. Một sự thay đổi mang tính bước ngoặc trong nghệ thuật, khi chủ đề sáng tạo của các nghệ sĩ là những con người đương thời và miêu tả những con người trong các tích truyện huyền thoại Hy – La cũng như hình ảnh đạo đức truyền thống. Thân thể con người chính là vẻ đẹp tuyệt vời nhất, là sản phẩm hoàn hảo nhất trong các sáng tạo của Thiên Chúa, cách phản ánh này cũng góp phần trở lại những suy nghĩ của người xưa. Các nghệ sĩ chú ý đến vẻ đẹp khỏa thân, đã bộc lộ rõ nét, đã biến đổi mục đích của nghệ thuật, vì nó đã dẫn dắt con người ta đến chỗ trình bày hình ảnh con người được lý tưởng hóa mà trước đây bị ẩn giấu dưới chủ nghĩa phổ quát trong suốt nhiều thế kỉ. 2. Cải cách tôn giáo 2.1 Nguồn gốc của cải cách tôn giáo Cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu với câu hỏi: Làm thế nào để con người có thể nhận được sự cứu rỗi? Giáo hội đã chính thức đưa ra câu trả lời rằng chỉ có việc tham gia các nghi lễ do nhà thờ tổ chức một cách chính thức. Nhà thờ cao hơn là giáo hội được xem là khâu trung gian cốt yếu đề tạo nên sức mạnh thần thánh cho các nghi lễ hay bí tích thiêng liêng. Tuy vậy, trong các tín hữu vẫn tồn tại một cách trả lời khác được gán cho là cách lí giải của giáo phụ lỗi lạc trong giáo hội là thánh Augustine: con người có thể được cứu rỗi dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa và tình yêu của ngài. Quan niệm này nhấn mạnh vào niềm tin cá nhân và sự ân sủng của Thiên Chúa. Lúc đầu, hai cách lí giải này vẫn được nhìn nhận là khá tương thích và không có gì mâu thuẫn nhưng cùng với sự biến chuyển của lịch sử hay cách lí giải, định nghĩa sai lầm một cách có hệ thống về hai phương pháp và sự gia tăng vai trò của Giáo hoàng, phương thức đầu tiên bị tuyệt đối hóa nâng lên thành quan điểm chính thống. Ngược lại, khía cạnh tiến bộ và cả quan điểm thứ hai lại được xem là một sự li khai hay lạc giáo. Trong những nỗ lực không mệt mỏi của mình, các nhà cách tân muốn tạo ra sự đảo ngược cách hiểu về câu hỏi trên. Tuy vậy mục đích ban đầu của họ không phải là hướng đến những thay đổi xuất phát từ trong lòng giáo hội hay là cần đến một cuộc cách mạng và sự tách khỏi giáo hội hướng đến sự hình thành các hệ phải mới. Vì nhu cầu thực sự của các giáo dân chỉ cần tìm kiếm một phương thức nhằm diễn đạt niềm tin, lòng mộ đạo của bản thân mình hơn là phải thông qua một sự cho phép của một nghi lễ chính thức. Các giáo dân cho rằng những nghi thức của giáo hội sẽ giảm bớt ý nghĩa vì bản thân họ không thể nuôi dưỡng được cảm xúc nội tâm về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa. Bắt đầu bởi việc bác bỏ hệ thống thần học thần học huyền ảo của truyền thống kinh viện, các tín hữu Kito tìm kiếm sự hướng dẫn của Thiên Chúa thông qua Kinh thánh và qua những bút tích của các giáo phụ thời kì hộ giáo, đặc biệt là St. Augustine. Sự ra đời các huynh đoàn đạo đức của giáo dân nhấn mạnh đến sự thờ phụng cá nhân và những việc làm hướng đến lòng bác ái, sự khoan dung. Phong trào này đã vấp phải sự đàn áp của giáo hội như một điều tất yếu. Nguyên nhân khiến phong trào cải cách tôn giáo diễn ra một cách mạnh mẽ là sự phản kháng của quần chúng tích cực với các hoạt động thế tục của giáo hội, từ sự chính sách ngoại giao và hoạt động quân sự độc tài, sự dính líu có hệ thống đến chính trị của mỗi quốc gia của Giáo hoàng, những chính sách bảo trợ nghệ thuật tốn kém, đời sống vương giả xa hoa đã làm lu mờ các hoạt động đạo đức. Sự bất tuân đạt đến đỉnh điểm khi giáo hội đã dùng quyền thiêng liêng của mình để gây dựng những quỹ phục vụ cho sinh hoạt thế tục. Giáo hội đã không đáp ứng được các nhu cầu thiêng liêng của đông đảo tín hữu khi xa cách đời sống hàng ngày của họ, hệ thống học thuật tuy tỉ mỉ nhưng khá khó hiểu, các nghi lễ lại chú trọng quá nhiều đến hình thức. Trên tất cả những giáo sĩ, linh mục, tu nam, tu nữ thường trục lợi từ chức vụ, bóc lột dân chúng điều này tỉ lệ nghịch với nhiệm vụ hướng dẫn đạo đức, luân lý. Trong cộng đồng các tín hữu lan truyền một phong trào tìm những cách thức diễn đạt niềm tin bằng ngôn ngữ riêng, phong trào này không chỉ tồn tại trong tầng lớp trí thức và giới thị dân như giai đoạn trước đây. Niềm tin tôn giáo được khơi gợi trong cộng đồng không còn bó hẹp trong sự rao giảng của nhà thờ hay các linh mục mà đã thấm đượm trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ trong các ngày lễ lịch sử của Kito giáo mà trong cả các lễ hội địa phương hay các buổi gặp mặt cộng đồng sinh hoạt mang tính chất tôn giáo cũng chi phối về mặt nội dung. Sự ra đời của nghề in được xem là tạo ra một động lực mạnh mẽ và đầy bất ngờ cho những phong trào tôn giáo thời Phục hưng. Các nhà in ra đời và nhanh chóng thể hiện được vai trò của mình trong công tác xuất bản và ấn loát các bản niên giám mang đầy những lời khuyên tôn giáo và quan trọng hơn cả, là các bản dịch Kinh thánh trong một ngôn ngữ phổ thông mà với trình độ bình thường mỗi người dân đều có thể hiểu được. Những cuốn Kinh thánh hay các chú bản này trở thành những vũ khí mạnh mẽ trong những cuộc xung đột tôn giáo đương thời. Những gương sống tận hiến, những cuộc đời các thánh và các Kinh thánh là những nội dung phổ biến nhất mang hơi thở của những vấn đề thiêng liêng đồng thời là phương tiện phổ biến tư tưởng mới của thời đại. Nghề in đã phá vỡ thế độc quyền của Giáo hội trong việc phổ biến tri thức cũng như giáo huấn đạo đức vì thế trong khoảng thời gian đầu đã chịu những rào cản từ cả Nhà nước và giáo hội, nhưng những rào cản này không thể kìm hãm được sự phát triển mang tính tất yếu của nó. Có lẽ vì lí do này mà các tác phẩm trào phúng của văn hào người Pháp, Francois Rabelais mới có thể được phổ biến để công khai chế giễu tầng lớp giáo sĩ và nếp sống đương thời. Vốn là một tu sĩ đồng thời là một bác sĩ Rabelais chẳng vui vẻ gì khi thấy nếp sống cổ truyền bị lệch lạc quá xa so với con đường lý tưởng mà Thiên Chúa đã định hướng. Chính ông đã mở ra một giai đoạn chế giễu, công kích tôn giáo diễn ra sâu rộng không chỉ trong giới bình dân và các nhà trí thức, họ đồng cảm với nhau trong quá trình tấn công vào những thứ thiêng liêng giả hiệu. Các tác phẩm của Rabelais hay Albrecht Durer đã chuyển tải và phản ánh tâm trạng của xã hội châu Âu đương thời, giống như việc truyền giảng lưu động hay các sinh hoạt cộng đồng, tất cả đều hướng tới giá trị thiêng liêng của con người cá nhân. 2.2 Nội dung cải cách tôn giáo 2.2.1 Thuyết phiếm thần Thời phục hưng, thuyết phiếm thần hướng đến con người như một sự mời gọi của các giá trị đạo đức, nguồn kích thích sự sáng tạo của văn hóa và sự thể hiện trách nhiệm cá nhân trước những yêu cầu của xã hội. Không phải thượng đế - đấng sáng tạo, mà linh hồn vũ trụ, được hiểu như thang bậc phi vật thể cuối cùng, gần với thế giới trần tục, là cái được quan tâm trước tiên trong phiếm thần luận của Ficino. Khái niệm “idea” của Platon được phân tích từ bình diên cái lý tưởng, sự mời gọi vĩnh cửu đối với quá trình tự hoàn thiện đạo đức của con người trong khát vọng vươn lên đẳng cấp cao hơn trong trật tự vũ trụ thiên liêng và đầy nhân tính. Con người hợp thành khâu trung tâm của vũ trụ, đồng thời chiếm ưu thế trước thế giới vật thể bởi linh hồn vũ trụ đã được tuyệt đối hoá nơi con người. Tình yêu, cái đẹp, hạnh phúc, tất cả những gì gắn với tố chất người, đều trở thành những nguyên lý vũ trụ. Phiếm thần luận mang màu sắc hỗn thành của Phitrino, do đó đã làm suy giảm phần nào uy quyền của thuyết sáng tạo. Thuyết phiếm thần của Pico della Mirandolla (1463-1494): con người nhận thức về mình như thành tố hữu cơ trong sự thống nhất tiểu vũ trụ con người và đại vũ trụ thượng đế - tự nhiên, đồng thời con người còn sáng tạo ra thế giới với những đặc trưng không thể tìm thấy. Phiếm thần luận xã hội của Muntzer với tuyên ngôn: hãy giúp đỡ Chúa bằng nổ lực của những người bình dân. Ông cho rằng trạng thái bình thường của xã hội là cộng đồng, tập thể ưu việt hơn cá nhân, chính Chúa sẽ thủ tiêu đẳng cấp xã hội và cũng sẽ trở nên bình đẳng trước mọi người. Thủ tiêu thế giới vô thần của cái ác cá nhân và sở hữu cá nhân, đem lại cho con người niềm vui muôn đời. Phiếm thần luận mang khuynh hướng duy vật của Brunô khẳng định kiên quyết tính vô hạn của tự nhiên, được đồng nhất triệt để với Thượng đế vô hạn. Xuất phát từ giới tự nhiên và hoạt động của con người, Brunô cho rằng con người là bộ phận không tách rời của tự nhiên, là tiểu thế giới phản ánh đại thế giới với bản chất phong phú, đa dạng của nó. Theo đó, con người chính là thượng đế trên mặt đất. 2.2.2 Các nhà nhân văn Kito phương Bắc Phong trào Phục hưng đã chứng kiến sự trỗi dậy hết sức mạnh mẽ của các nhà tư tưởng Bắc Âu, phản ánh một cách sâu sắc nhất những nỗ lực và khát vọng của thời đại. Nếu như các nhà nhân văn ý hướng đến những cải cách về giáo dục, nghệ thuật hùng biện, sự trở về với các giá trị Hy Lạp – La Mã cổ đại hay khuyến khích sự gia nhập vào công việc chính trị - xã hội thì các nhà tư tưởng phương Bắc đã thêm vào văn hóa Phục hưng phương diện tôn giáo đầy ý nghĩa với những nghiên cứu về tư tưởng nhân văn sơ kì: Kinh Thánh và các trước tác của giáo phụ - những bậc cha chú được nhà thờ kính trọng. Với những đóng góp to lớn đó, người đương thời và hậu thế vinh danh họ bởi những mỹ từ là các nhà nhân văn Kito giáo. Trung tâm chính yếu của các nhà nhân văn phương Bắc chính là Đại học Heidelberg, sang đến thế kỉ XV, ảnh hưởng của phong trào cùng các ấn bản của họ đã phổ biến rộng rãi khắp châu Âu. Những quyết tâm nghiên cứu Kito giáo sơ kì một cách có hệ thống, đã soi rọi cho giáo dục luân lý và tạo nên một bầu không khí nghiêm túc cho quá trình phê phán Giáo hội khác với cách mà các tác giả như Rabelais, Albrecht Durer và đại bộ phận dân chúng vẫn dùng. Các nhà nhân văn Kito phương Bắc vẫn quan tâm đến các tác giả cổ điển, những phương pháp phân tích những bản thiên cổ hùng văn, đồng thời, mang chúng vào một ứng dụng mang tính thiết thực hơn: phân tích Kinh thánh để giải thích rõ ràng những sứ điệp của Chúa Jesus, các tông đồ, nhờ đó hướng dẫn con người đi vào cuộc sống đạo đức và luân lý đích thực. Định hướng đạo đức sâu xa này đã ghi dấu ấn trong các tác phẩm của hai nhà nhân văn Kito nổi tiếng nhất là Thomas Moore (1478 – 1535) và Erasmus (1466? – 1536). Trong tác phẩm Đảo không tưởng, Moore đã xây dựng một mô hình xã hội nơi những con người là chủ thể năng động của đời sống, đồng thời, hướng đến một xã hội hoàn hảo được xây dựng trên nền tảng chính trị và đạo đức Kito giáo. Moore là một nhà tư tưởng luôn kiên định với nguyên tắc Kito giáo suốt cuộc đời, khi chịu bức hại của vua Henri VIII trong sự xung đột với Giáo hoàng, ông đã khẳng định: “Tôi chết để luôn là tôi trung của nhà vua, nhưng trước hết để làm tôi trung của Thiên Chúa”. Desiderius Erasmus, đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa nhân văn Kito giáo, là một người ham mê nghiên cứu văn hóa cổ điển, tài năng văn chương của ông luôn ngự trị trên thế giới văn học đương thời. “Ca ngợi sự điên rồ” tác phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ của Erasmus với giọng điệu trào phúng nhẹ nhàng, Tuy vậy, tác phẩm cũng gửi gắm một ý tưởng khá táo bạo khi cho rằng Kito giáo cũng là một chuyện ngớ ngẩn dại dột đến nực cười tin vào những điều chẳng hề thấy. Với tinh thần của một nhà nhân văn Kito chân chính, Erasmus công kích các thầy dòng, các nghi lễ chỉ mang tính hình thức trái với tinh thần của Kito giáo sơ kì. Trung tâm các tác phẩm của mình, Erasmus tập trung khắc họa sứ điệp hay triết lý về Đức Kito. Ông cho rằng cuộc đời và những bài giảng của Jesus chính là mẫu mực của đời sống đạo đức và luân lý. Niềm tin tôn giáo, lòng mộ đạo hay cuộc sống đúng luân lý mới chính là những yêu cầu thiết thực với các tín hữu Kito chứ không phải là những nghi lễ hình thức của giáo hội. Định hướng của ông danh cho các tín đồ chính là đức tin về đấng Jesus và kiên trì theo các nguyên tắc của ngài để hướng đến một cuộc sống chân thực gắn liền với hành vi đạo đức. Quá trình hệ thống hóa nghiên cứu về tư tưởng Kito sơ kì được xúc tiến mạnh mẽ để phê phán những hành động của Giáo hội đi ngược lại với tinh thần nhân văn được xác lập ở những buổi đầu Kito giáo hình thành. Bản Kinh thánh Tân Ước được ông dành khoảng 10 năm để biên dịch chuyển từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh được sử dụng phổ thông. Nhưng tính khoan hòa và học thuật mà Erasmus đề cao đã mau chóng bị quên lãng sau các biến cố mang tính cách mạng của thời đại. Sự mạnh mẽ của các nhà cải cách và các đối thủ đã phá tan những nỗ lực cứu chữa ngay từ bên trong của hệ thống Giáo hội của Erasmus. Ông muốn phục hồi đức tin tôn giáo nhưng ông không bao giờ mơ tưởng đến chuyện bác bỏ quyền bính, uy quyền truyền thống của Giáo hội. Khi châu Âu bước vào kỉ nguyên cách mạng mạnh mẽ, Erasmus mới biết rằng không thể duy trì con đường đi giữa hai khuynh hướng. Không có khả năng chọn lựa, Erasmus đã bị chính lực lượng cách mạng mà ông gầy dựng đã gạt bỏ ông sang một bên thay vào đó là Martin Luther. Một cuộc xung đột tôn giáo bùng lên khắp châu Âu là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Lòng mộ đạo của dân chúng tỉ lệ thuận với lợi ích thế tục của Giáo hội là điều khiến các lãnh chúa hay quý tộc phong kiến khó lòng chấp nhận. Các ông hoàng thế tục đã nhìn thấy được những cải cách tôn giáo chính là phương thức hiệu quả để không chỉ củng cố mà góp phần hiện thực hóa các tham vọng chính trị của mình, đồng thời, thoát khỏi tham vọng quá lớn của Giáo hội cũng như các nhà thờ địa phương. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao, khi một nhà cải cách kiên định như Martin Luther xuất hiện thì rất nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các lãnh chúa thế tục. 2.2.3 Cải cách tôn giáo hiện thực Martin Luther (1483 – 1546) sinh ra trong một gia đình thợ mỏ tại Saxony, Đức, lớn lên trong uy quyền tuyệt đối của cha đã khiến ông liên tưởng đến một Thiên Chúa toàn năng. Một trải nghiệm bất ngờ đã làm rẽ hướng cuộc đời ông từ một sinh viên luật trở thành một học viên chuyên cần của tu viện, sự chuyển hướng này vẫn không xóa nhòa được nếp sống theo kỉ luật và thậm chí là lối tu hành khổ hạnh để vượt qua những yêu cầu hay đòi hỏi tự thân để xứng đáng với Thiên Chúa. Mặc dù, tính tình khá nhút nhát và mặc cảm tội lỗi luôn đè nặng nhưng Luther vẫn nhận được sự ủng hộ của các bề trên nhờ vào trí tuệ của mình. Việc học tập một cách nghiêm túc đã khiến ông tìm lại được nguồn an ủi và sự bình an thiêng liêng mà ông hằng ao ước. Luther đã nhận ra rằng sự công chính sẽ tẩy xóa tội lỗi và ban tặng sự ân sủng theo lý lẽ tự nhiên. Ân huệ công chính chỉ được thực hiện dựa trên đức tin, dựa trên trực giác để cảm nhận niềm thương xót của Thiên Chúa. Đây chính là trải nghiệm trong tháp ngà, một trong những sự kiện tác động mạnh mẽ đến cuộc đời ông không khác ý nghĩa của việc vào trường dòng sau biến cố bất ngờ. Năm 1517, một biến cố xảy ra đẩy Luther tới chỗ rạn nứt vô phương cứu chữa với Giáo hội, đó chính là việc rao bán tràn lan các thẻ ân xá, nhằm gây quỹ cho nhà thờ Phero mới ở La Mã, thay vì chỉ được ban cho những người tham gia thập tự chinh như lúc đầu. Sự rao bán này đã đi ngược lại với sự thành tâm sám hối, những lời giáo huấn xưa nay đó là một sự sỉ nhục ghê gớm đối với Luther, người luôn mò mẫm trong phúc âm để tìm câu trả lời cho những hoài nghi của bản thân. Ông không thể tha thứ cho việc người ta bị tước đi những đồng tiền xương máu để đổi lấy những lời hứa vô giá trị và hoàn toàn giả dối. Ngày 31.10.1517, Luther công bố luận cương 95 điều về vấn đề ân xá, mở đầu một cuộc tranh luận với các chuyên gia Kito, trình bày những khẳng định mà theo ông là những giáo huấn đúng đắn về vấn đề ân xá, Giáo hoàng chỉ có thể miễn giảm những hình phạt do ngài và giáo luật đặt ra, còn những thứ thuộc về Đức Kito sẽ chỉ được miễn nếu tận tâm sám hối và chịu sự ân sủng của công đức mà thôi vì thế lời hứa hẹn tha thứ tất cả là một điều thật sự đáng trách. Cuộc tranh luận này kéo dài và thu hút được sự chú ý của toàn cõi La Mã. Đến năm 1520, Luther đã bắt đầu đi chệch hướng khỏi học thuyết của Giáo hội đến mức dám thách thức quyền uy của Giáo hoàng, khi kêu gọi đồng hương Đức bác bỏ quyền bính của các Giáo hoàng ngoại lai, đồng thời, tấn công trực diện vào đức tin khi chỉ thừa nhận hai trong số bảy Bí tích, nền tảng phát sinh quyền lực của Giáo hội. Mặc dù, Luther không bác bỏ những việc lành nhưng ông nhấn mạnh rằng chỉ có đức tin của bản thân người tín hữu mới cỏ thể mang lại ơn cứu độ từ Thiên Chúa toàn năng, công minh và khoan dung. Những nội dung này được thể hiện trong 3 bản thảo của ông: “Ngỏ lời cùng giới quý tộc Kito giáo Đức”, “Cuộc lưu đày Babilon”, “Tự do của người Kito hữu”. Các tác phẩm này đã khiến cho ông trở thành hiện thân của khát vọng cải cách tôn giáo của thời đại. Như một kết quả tất yếu, Giáo hoàng ban hành vạ tuyệt thông cho ông, nhưng sự chuyển biến tư tưởng đã đạt đến sự chín mùi, ông đoạn tuyệt với Giáo hội khi ném sắc lệnh trên vào lửa trong sự chứng kiến của mọi người. Trong thời gian tránh sự truy bức của Giáo hoàng, dưới sụ bảo trợ của hầu tước Federik III xứ Saxony, Luther đã đưa ra bản Tuyên ngôn Augsburg được xem là nền tảng cho các cải cách về sau. Tuyên ngôn đề cập đến tính ưu việt của đức tin so với sự bất tương xứng của lý trí, tính bất khả tri của Thiên Chúa, kế đến là lý luận về sự mầu nhiệm, quyền uy, sự toàn năng của Thiên Chúa. Những quan điểm này đã được chủ nghĩa duy danh các thế kỉ trước đề cập tới một cách khá hệ thống. Tuy nhiên, khi học thuyết của ông khơi nguồn cho những sự nỗi dậy của quần chúng dưới sự lãnh đạo của các nhà thuyết giảng cấp tiến thì Luther đã quay sang ủng hộ trật tự xã hội hiện hành, và trở nên cố chấp không kém giáo hội La Mã, đối tượng mà ông muốn thách thức về giáo lý. Việc ngã theo phe của giới quý tộc là điều kiện để cuộc cải cách tôn giáo được diễn ra tiếp tục. Chiến tranh tôn giáo của những người Thệ phản và những người Công giáo La mã xảy ra như một điều tất yếu và tạo nên những tác động không hề nhỏ đến sự sụp đổ của Đế quốc La Mã thần thánh. Ulrich Zwingli (1484 – 1531) một nhà cải cách cấp tiến, một nhà nhân văn, môn đệ của Erasmus, đã đưa ra những quan điểm khá tương đồng với Luther và có phần tiến bộ hơn khi muốn đơn giản hóa cả niềm tin tôn giáo và lối sống đạo đức. Những ý tưởng về sự thông hiểu giữa con người với Thiên Chúa gạt bỏ vai trò của các lễ nghi, của giáo hội và thậm chí là của Kinh thánh đã mở đầu cho thời đại con người cá nhân đến với Thiên Chúa theo cảm nhận của cá nhân mình. Mặc dù, giáo phái Zwingli chưa bao giờ trở thành một hệ phái chính thống nhưng nó đã ảnh hưởng to lớn đến sự ra đời các hệ phái Tin Lành đặc biệt là tư tưởng của Jean Calvin. Khi làn song thứ nhất của cuộc cải cách chìm trong sự phân tách cũng như chịu sự bách hại nặng nề từ chính quyền sau một giai đoạn sục sôi, thì Jean Calvin (1509 – 1564) xuất hiện khi đã cảm nghiệm được một sự xây dựng những giá trị thiêng liêng theo cách diễn đạt của ông. Trong một luận đề nhỏ mang tên “Thể chế của tôn giáo Kito”, ông đã phác họa những nguyên tắc của một hệ thống mới về đức tin. Xét bề ngoài, học thuyết của Calvin có khá nhiều điểm tương đồng với học thuyết của Luther khi nhấn mạnh đến tình trạng tội lỗi, thiếu tự do và bất lực của con người, cùng bác bỏ những phương pháp cứu độ, thừa nhận hai bí tích, ủng hộ các chính quyền thế tục cũng như nhấn mạnh đến sựu toàn năng của Thiên Chúa… Chúng ta cần nhìn nhận rằng Calvin đã có những cách nhấn mạnh và lí giải rất đặc biệt so với các học thuyết tôn giáo trước. Ông cho rằng số phận của con người như một sự tiền định và không gì có thể thay thế được, sự công chính hay lòng khoan dung của Thiên Chúa chính là điều mà con người mong muốn và xem đó là ân huệ của cả đời mình chứ không phải trả lời câu hỏi: làm thế nào tội lỗi của con người có thể được cứu độ? Xuất phát từ quan điểm phải sống xứng đáng với tư cách là người được tuyển chọn, Calvin đã soạn ra những bộ luật luân lý cho người tín hữu đích thực với việc bãi bỏ các sinh hoạt phù phiếm. các lễ nghi rườm rat hay vào đó là quá trình xưng tội công khai. Những quy định chặt chẽ trong hệ thống giáo hội mà Calvin khó bề thực hiện được trong thực tế nhưng đã góp phần tạo ra sự ổn định và nề nếp hơn so với sự rệu rã trước khi cuộc cải cách tôn giáo diễn ra. Giáo dục chìa khóa xuyên suốt của thời Phục hưng, ý thức được điều này, Calvin đã đưa hệ thống giáo dục luân lý lên như là phương pháp tối ưu nhất để niềm tin tôn giáo đã được ươm mầm. 2.3 Ý nghĩa của phong trào cải cách tôn giáo Phong trào cải cách tôn giáo thể hiện cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống chế độ phong kiến, giáo hội trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo. Thời Phục hưng, sự dung hợp giữa nền văn hóa Hi Lạp – La Mã và văn hóa Kitô giáo đã đẩy nhanh nguy cơ về sự sụp đổ uy quyền tuyệt đối về tôn giáo của giáo hội. Luther – người mở đầu phong trào cải cách tôn giáo đã can đảm phê bình việc các giáo hoàng Kitô giáo tại Rome không những đã bỏ qua những tín điều Kitô giáo nguyên thủy mà còn mượn danh Chúa thực hiện trắng trợn những hành vi làm ô danh Người. Tiếng nói chống đối của Luther đã làm làm bùng nổ một phản ứng văn hóa bao trùm thế kỉ XVI không gì chế ngự được. Phong trào cải cách tôn giáo – một cuộc cải cách làm trong sạch đời sống sinh hoạt tôn giáo, xóa bỏ niềm tin mê muội, tạo nên bộ mặt mới trong sinh hoạt văn hóa thời phục hưng. Hoà chung hơi thở thời đại – tiếng nói xuyên suốt của chủ nghĩa nhân văn trong lĩnh vực tôn giáo đã xác lập lại hình ảnh con người và đồng thời cũng tạo cho hình ảnh ấy tiếng nói thề hiện khát vọng khẳng định và giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc và cấm đoán của giáo lý mà nhà thờ đòi hỏi. Con người cũng có thể sáng tạo nên những điều kì diệu như sự sáng tạo của Thiên Chúa và con người với tư cách là chủ thể trong thế giới này không thể chấp nhận hoà tan mình vào cái phổ quát tối cao. Nếu thượng đế sáng tạo nên thế giới và trao cho con người quyền cai quản mọi thứ do Ngài sáng tạo nên thì con người – về phần mình, sáng tạo ra văn hóa – yếu tố làm cho con người vượt lên trên tự nhiên, theo nghĩa đó, con người là thượng đế khả tử. Tính chất thượng đế của con người thể hiện ở sức mạnh và khả năng sáng tạo tầm mức vũ trụ, ở quyền con người đối với những thượng đế sáng tạo nên. Đấu tranh vì tự do tín ngưỡng, vì khoan dung tôn giáo, đề cao tự do con người, trước hết là con người cá nhân với những lợi ích cụ thể chính là đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi quan tâm và sáng tạo văn hóa, làm cho nó trở thành chủ thể uyên thâm, sự vĩ đại và vẽ đẹp ngự trị trên trái đất do thượng đế tạo ra. Đơn giản hóa nghi lễ tôn giáo, chủ trương bình đẳng tất cả các tín đồ trước Chúa, khuyến khích tín đồ tự chọn giáo phái, khuyến khích lối sống giản dị, không lãng phí, xa hoa, biết tiết kiệm – chừng ấy cải cách góp phần làm nên nhiều chấn động tâm lý xã hội mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình phi giáo điều hóa, phi thần thánh hóa và thế tục hóa sinh hoạt văn hóa ở ngưỡng cửa thời cận đại. Phi tôn giáo và thế tục hóa đời sống văn hóa thời kì Phục Hưng gắn liền với khát vọng giải phóng các lĩnh vực hoạt động văn học, nghệ thuật, lao động trí óc nói chung khỏi ảnh hưởng của nhà thờ, sử dụng các đề tài tôn giáo, thần thoại bày tỏ các vấn đề của đời sống trần tục, khát vọng trần tục, nhân danh khôi phục Kitô giáo sơ kì đề cổ xuý cho tư tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng, nói khác đi, tính chất đó có nghĩa là chống thần quyền, gián tiếp chống lại trật tự xã hội phản nhân văn. Xóa bỏ độc quyền trí tuệ của giới tăng lữ, độc quyền lý giải thế giới của nhà thờ. Điều này tác động tích cực đến sinh hoạt học thuật, triết học và khoa học không còn mang tính chất minh họa, trở thành sản phẩm của hoạt động tự do. Phong trào cải cách tôn giáo không đi tới khẳng định quyền sống con người trong đời sống hiện tại nhưng nó khẳng định quyền sống ấy trong tinh thần: tư tưởng, tín ngưỡng là vấn đề của cá nhân, nó thuộc về quyền tự quyết cá nhân, không cần hình thức cưỡng bức bên ngoài vì vậy không cần phải thông qua tổ chức Giáo hội. Cho nên văn hóa mà trước hết là văn hóa tinh thần chính là sản phẩm trí tuệ của con người, nó không còn bị hạn chế bởi các rào cản của thể chế hoặc các tập quán văn hóa đã lỗi thời. Đặt dấu chấm hết cho sự thống nhất tư tưởng của Kitô giáo, chia Châu Âu ra thành hai trục Nam – Bắc, Nam Âu tiếp tục duy trì Kitô giáo, Bắc Âu trở thành biểu tượng Tin Lành giáo. Đạo Tin Lành với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo đã phá vỡ truyền thống hòa lẫn tôn giáo, nhà nước và nhà thờ, đồng thời do chú trọng đến tâm lý của tín đồ, chấp nhận nhiều hình thái khác nhau tùy thuộc vào điều kiện sống và yếu tố dân tộc. Quốc gia mà tại nhiều nước tôn giáo cải cách trở thành nét đặc trưng của ý thức hệ dân tộc vì vậy văn hóa dần đi vào môi trường đặc thù của nó. 3. Học thuyết chính trị chống thần quyền 3. 1 Con đường Kytô giáo xâm nhập vào lĩnh vực chính trị thời Trung cổ Thời kỳ Trung cổ được đánh dấu bằng sự sụp đổ của Tây bộ đế quốc La Mã năm 476 sau một thời hoàng kim với những thành tựu rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực triết học. Trong lĩnh vực chính trị thời Hy Lạp – La Mã với “tinh thần phản biện” đã bước đầu thử nghiệm, luận giải hàng loạt những nguyên tắc, các phạm trù chính trị cơ bản đặt nền móng cho sự phát triển các tư tưởng chính trị sau này. Nó tạo ra “vòng khâu đầu tiên” cho sự phát triển mạnh mẽ cho các thời kỳ sau. Chế độ chiếm hữu nô lệ trong quá trình phát triển, sau thời kỳ hưng thịnh của nó thì đã dần bộc lộ những mâu thuẫn không thể dung hòa được, chẳng hạn như: mâu thuẫn về sự phân tầng xã hội, sự tách biệt nghiêm trọng và phi nhân tính giữa người với người, con người là sản phẩm của chiếm hữu… Bên cạnh đó hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nô lệ nổ ra và bị dìm vào trong bể máu bởi sức mạnh của nhà nước chủ nô. Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ bao hàm trong nó quan hệ sản xuất vô nhân đạo thì sớm muộn cũng bị quan hệ sản xuất mới thay thế phù hợp với lực lượng sản xuất mới. Thúc đẩy quá trình chuyển biến ấy, Kytô giáo ra đời đã đáp ứng nhu cầu tâm lý của đông đảo nô lê nghèo khổ lúc bấy giờ. Tư tưởng Kytô giáo sơ kỳ đã đáp ứng được nhu cầu tâm lý của nô lệ, chuẩn bị cho cuộc cách mạng trong thực tiễn thì Kytô giáo đã mở đường cho cuộc cách mạng diễn ra trong lý trí, tư tưởng. Hình tượng và cái chế của chúa Jesus đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ và lan rộng trong xã hội hay còn gọi là hiện tượng có tính cách mạng trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Điều ấy chứng tỏ, Kytô giáo sơ kỳ là tôn giáo của người nghèo,của quần chúng áp búc; bênh vực cho người nghèo; đòi hỏi dân chủ, bình đẳng với thiết chế cách tổ chức làm việc mới “các giáo đoàn có khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa”( ). Chính vì vậy Kytô giáo sơ kỳ xuất hiện với tư cách là tôn giáo của những người nô lệ, của những người nghèo khổ tự do, của các dân tộ bị đế quốc La Mã chinh phục áp bức. Kytô giáo sơ kỳ vừa là sản phẩm tinh thần của quần chúng cùng khổ trước tình trạng bi đát và thất vọng trong cuộc sống, vừa là sự phản ứng của họ trước chế độ áp bức tàn bạo của giai cấp chủ nô thống trị. Ph. Ăngghen nhận định về sự ra đời Kytô giáo như sau: lúc ban đầu, cuộc vận động cho đạo Cơ Đốc là một cuộc vận động đòi giải phóng của nô lệ và cư dân bán tự do. Lúc đó, Cơ Đốc giáo đối với nô lệ và những người bị áp bức có một ý nghĩa về mặt giải phóng tinh thần, ở chỗ nó đòi thực hiện bình đẳng trong xã hội, là “tôn giáo của những người nô lệ…, của người nghèo và người vô quyền”, nó “tuyên truyền sự giải phóng con người tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”( ). “Trong lịch sử đạo Cơ Đốc giáo sơ kỳ có những điểm giống nhau đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại,… đạo Cơ Đốc nảy sinh như là một phong trào của những người bị áp bức;… Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ; đạo Cơ Đốc tìm sự giải thoát ấy trong cuộc sống trên trời, ở thế giới bên kia sau khi chết, còn chủ nghĩa xã hội thì tìm nó ở thế giới này, ở việc tổ chức lại xã hội”( ). Các tập đoàn thống trị ở La Mã thoạt đầu không có thiện cảm với Kytô giáo vì nó chỉ thừa nhận một chân lý duy nhất, một Thiên Chúa duy nhất, một quyền năng duy nhất, không tự hạ mình trước các ông hoàng (con người, là thụ tạo bình đẳng như những người khác). Sự truy bức và tàn sát đẫm máu chỉ làm cho Kytô giáo sơ kỷ củng cố tín điều và tổ chức của mình. Mãi đến thế kỷ IV chính quyền La Mã mới thay đổi thái độ đối với Kytô giáo. Lần lượt vào các năm 311 và 313 hoàng đế Licinnius và Constantinus tuyên bố chấm dứt những cuộc tàn sát và hợp pháp hóa Kytô giáo, xem nó là tôn giáo bình đẳng giữa các tôn giáo đa thần truyền thống. Sau khi Constantinus cải đạo, đi theo tôn giáo mới, thì thần học Kytô giáo dần dần mang màu sắc chính trị. Năm 324 Ky tô giáo được xem là tôn giáo của nhà nước đang đi dần vào quỹ đạo phong kiến. Năm 525 một nhà thờ ở Nyssa – nhà thờ toàn cõi Kytô giáo – công bố giáo thuyết và biểu tượng của tôn giáo này. Được sự bảo trợ của nhà nước, Kytô giáo bắt đầu thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực chính trị, trở thành một quyền lực đứng trên cả quyền lực thế tục. Năm 529 hoàng đế Justinian ra sắc lệnh đóng cửa Hàn lâm viện cũng đồng nghĩa với sự đoạn tuyệt vĩnh viễn quá khứ. Như vậy, con đường phát triển của Kytô giáo trải qua quá trình từ giai đoạn đầu hình thành là dung hòa, chiết trung, từng bước biện hộ (hộ giáo) đến củng cố, chuẩn hóa, khuếch trương (triết học kinh viện) và khủng hoảng, suy tàn. Khi Kytô giáo trở thành quốc giáo thì từ đây bắt đầu sự thống trị tuyệt đối của mình đối với tất cả các lĩnh vực. Sự biến đổi mạnh mẽ các vấn đề chính trị: một loạt nhà nước phong kiến vốn là các tỉnh, thành của Đế quốc La Mã đã được hình thành như Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đức…; quý tộc phong kiến, giới tăng lữ, giáo hội và nhà thờ cũng đã trở thành một lực lượng đầy quyền uy, nắm trong tay cả thần quyền và thế quyền. Hệ tư tưởng thần học Kytô giáo trở thành hệ tư tưởng chính trị. Tất cả các hình thái ý thức xã hội khác (kể cả khoa học và chính trị) đều chịu sự khống chế của thần học. Trong tay bọn giáo sĩ, chính trị và luật học, cũng như tất cả các khoa học khác, vẫn chỉ là những ngành khoa học của thần học. Người ta không thấy có hình thức hệ tư tưởng nào khác, ngoài tôn giáo và thần học. Ph. Ăngghen cho rằng: “Giới tăng lữ cũng chia thành hai giai cấp hoàn toàn khác nhau. Hệ tôn ti của giáo hội phong kiến hình thành nên những giai cấp quý tộc: giám mục và tổng giám mục, trưởng tu viện, giáo chủ và các giáo chức cao cấp khác. Các giáo chức cao cấp đó của giáo hội đều hoặc giả tự mình là những vương công của đế chế, hoặc giả là những chúa phong kiến phục tùng chính quyền tối cao của những vương công khác và chiếm hữu những vùng đất đai rộng lớn, có nhiều nông nô và dân cư lệ thuộc” ( ). Hơn nữa Giáo hội Kytô giáo chiếm hữu khoảng một phần ba đất đai ở Tây Âu và một số lượng lớn nông nô. Mỗi giáo hội có một tu viện riêng và cả trăm thôn xã phụ thuộc với hàng ngàn ha đất và hàng chục vạn nông nô. Không những giáo hội bọc lột một cách tàn nhẫn các nông nô và bầy tôi của mình, không kém các quý tộc và vương công, mà còn dùng nhiều thủ đoạn “để cướp đoạt đồng xu cuối cùng của bầy tôi hoặc để làm tăng thêm phần gia tài di chúc lại cho giáo hội,… Ngoài những sự khủng khiếp của tra tấn ra, họ còn dùng tất cả mọi sự khủng khiếp của việc rút phép thông công và của việc khước từ xá tội, mọi mưu kế của việc xưng tội”( ). Nằm dưới tất cả những giai cấp này, trừ những người bình dân ra, nông dân là đông đảo quần chúng nhân dân bị bóc lột. “Toàn bộ cái cơ cấu xã hội gồm vương công, quan lại, quý tộc, linh mục, quý tộc thành thị và thị dân, đều đè nặng lên vai nông dân. Dù là thuộc về một vương công, về một giám mục, về một tu viện hay một thành thị, ở đâu người nông dân cũng đều bị đối xử như là một đồ vật, như là một súc vật thồ, hoặc còn tệ hơn thế nữa… Bất kỳ lúc nào muốn là lãnh chúa cũng có thể tống nông dân vào nhà giam, ở đó việc tra tấn chắc chắn sẽ đến với họ… Lãnh chúa đánh người nông dân đến chết và có thể ra lệnh chặt đầu họ nếu hắn muốn”( ). Hệ tư tưởng thống trị suốt hàng thế kỷ trong đời sống tinh thần xã hội Tây Âu thời Trung cổ, đó là Kytô giáo với hai biến thể của nó (Giáo hội Thiên Chúa giáo do Giáo hoàng La Mã đứng đầu và Giáo hội Cơ Đốc giáo chính thống ở Đông Âu hay gọi là Giáo hội Hy Lạp). Chủ trương “quàng vào cổ của lý trí một cái ách” để buộc nó đi theo sự chỉ dẫn đức tin. “Cái ách” này quàng lên tất cả các lĩnh vực kể cả lĩnh vực chính trị. Bắt đầu từ thế kỉ IX, khi thế giới trung cổ đi dần vào ổn định, xu hướng “chuẩn hóa” tri thức mang ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố trật tự chính trị - xã hội, cũng đồng thời củng cố địa vị của nhà thờ với tính cách là nền chuyên chính tinh thần. Nhân danh “ổn định chính trị và tinh thần là trên hết”, nhà nước phong kiến liên minh với nhà thờ đặt ra những “vùng cấm” đối với sáng tạo khoa học và văn hóa. Chuẩn hóa, chính trị hóa toàn bộ đời sống xã hội và hoạt động nhận thức là nét đặc trưng của Trung cổ Kytô giáo. Nó quy mọi cái tản mác về sự thống nhất, tạo nên môi trường tư tưởng nhất quán trong điều kiện xã hội đang chịu nhiều thách thức, đồng thời kéo theo sự thu hẹp khả năng sáng tạo của con người theo tiêu chí “chỉ được phép trình bày những gì trong giới hạn”, mà ở đây là giới hạn của các chân lý bất biến, vĩnh hằng. Nhà thờ là “Thành bang của Thượng đế” và nhà nước là “Thành bang của trần gian”, nhà nước phải lệ thuộc Giáo hội như “Thành bang của trần gian” cần lệ thuộc “Thành bang của Thượng đế”. Cái cao hơn của nhà thờ so với nhà nước là cái cao hơn của “linh hồn” so với vật chất. (Augustin) Mọi quyền lực đều xuất phát từ Thượng đế, gắn với quyền sống chết. Vấn đề nhà nước và mối quan hệ của nó với nhà thờ về cơ bản được Thomas Aquinas nhận định là giải quyết theo thuyết thần là trung tâm. Nhà nước và nhà thờ đều là kết quả sáng tạo của Thượng đế. Nhà thờ đảm nhiệm việc điều khiển trực tiếp thế giới của con người nhân danh Đấng sáng thế duy nhất, cái thế giới không chỉ ở bên này một cách ngắn ngủi, mà tồn tại ở bên kia, vĩnh viễn. Nhà thờ không lệ thuộc vào nhà nước vì bất kỳ lý do nào, dưới bất kỳ hình thức nào, trong khi nhà nước cần phải chú trọng đến quyền lợi của nhà thờ, bởi lẽ mục đích của nó cao hơn, công dân nào cũng hướng về nó. Mối quan hệ giữa nhà nước và nhà thờ như quan hệ giữa linh hồn và thể xác. Cả linh hồn lẫn thể xác đều đóng vai trò đặc biệt, không hòa lẫn, nhưng vai trò của linh hồn quan trọng hơn. Nếu Thượng đế chỉ có một trong thế giới, linh hồn chỉ có một trong cơ thể, đàn ong chỉ có một ong chúa, con tàu chỉ có một người cầm lái chính, thì con tàu nhà nước, tương tự như vậy, cũng sẽ vận hành tốt hơn, nếu giao cho một người cầm lái duy nhất là nhà vua (nhà nước quân chủ là hình thức tự nhiên nhất của quyền lực nhà nước). Quyền lực thế tục là có giới hạn, nếu vượt qua giới hạn cũng có nghĩa là phạm vào luật của Thượng đế. 3.2 Nội dung tư tưởng chính trị chống thần quyền Phong trào văn hóa Phục hưng bên cạnh việc xác lập những giá trị mới trong các lĩnh vực như: thẩm mỹ, đạo đức, sáng tạo nghệ thuật - cơ thể người làm đối tượng , phong trào còn có bước tiến trong việc xác lập lại các vấn đề của chính trị (nhà nước, luật, tự do, quyền lực…) dưới cách nhìn trần tục, lấy con người tự do làm trung tâm. Giương cao ngọn cờ chống thần quyền là một trong những “ngọn cờ” của phong trào văn hóa Phục Hưng, trong đó có tư tưởng chống thần quyền trên lĩnh vực chính trị. Trên lĩnh vực đời sống chính trị thì vấn đề này được các nhà tư tưởng Phục Hưng bắt đầu xem xét nhà nước “bằng đôi mắt người” nhằm tách thần quyền ra khỏi thế quyền. Thượng đế ban cho con người quyền tự do, còn con người phải sử dụng nó như quyền lực của mình, với mục đích là tạo dựng một thế giới tốt đẹp theo ý chí Thượng đế. Tạo nên quyền tự do đó thì nhà thờ cần tách ra khỏi nhà nước, cần gỡ bỏ “cái ách”, “vòng kim cô”, giải phóng cho nhà nước. Chính trị cần lấy con người làm trung tâm để hướng đến thiết lập một xã hội tốt đẹp dành cho con người, thay “sự thống trị của con người”, xây dựng “thiên đường trên mặt đất” bởi con người và cho con người. Vì Thượng đế sáng tạo ra thế giới “sự sáng và sự sống”, và trao cho con người (kết quả sáng tạo của Thượng đế) quyền cai quản mọi thứ do Ngài tạo nên, thì con người, về phần mình, phải sáng tạo ra văn hóa – vương quốc của con người, làm cho con người vượt lên trên tự nhiên. Giờ đây phụng sự Chúa chính là phụng sự con Người, bởi con Người là hiện thân của Thượng đế ở cõi này. Con người với sức mạnh và khả năng sáng tạo tầm mức vũ trụ, ở quyền của con người đối với những Thượng đế sáng tạo nên. Tư tưởng chính trị nổi bật xuyên suốt trong phong trào văn hóa Phục hưng là vấn đề tự do, dân chủ, bình đẳng, khoan dung nhân danh khôi phục những giá trị đẹp của Kytô giáo sơ kỳ. 3.2.1 Nicolo Machiavelli Nicolo Machiavelli (1469 – 1527) - cha đẻ của “chính trị học hiện đại”, ông sinh ra tại Italia, trong một gia đình luật sư tại xứ Florence. Các tác phẩm chính như: Quân vương (1513), Lịch sử Florence (1520)…Tư tưởng của ông chống lại nhà nước quân chủ phong kiến với chi phối của giáo hội, ủng hộ nền cộng hòa Florence non trẻ. Chính trị phải được thế tục ở mảnh đất của con người. Machiavelli tiếp tục quan điểm của Hy Lạp cổ đại về vấn đề chính trị, xem đó là công việc của nhà nước. Ông đã xây dựng nhiều quan điểm mới về chính trị như: Thứ nhất, Machiavelli cho rằng con người là chủ thể sáng tạo, chủ thể hành động, chủ thể tự thân. Cái kích thích quyết định trong đời sống con người là quyền lợi. Nhờ quyền lợi làm cho quan hệ người với người luôn sinh động, đa dạng và đôi khi chứa đầy lòng hận thù (xem quyền lợi, lợi ích là động lực của con người). Chính vì thế, ông chủ trương cần phải thiết lập một quyền lực nhà nước mạnh và nghiêm chỉnh để cai trị xã hội một cách hữu hiệu. Làm được như thế, nhà nước sẽ khắc phục việc giới tăng lữ lạm quyền, những kẻ “đánh đổ những đồ thờ Chúa”, xác lập lại công bằng và dân chủ. Như vậy, Machiavelli xem chính trị là một lĩnh vực tự mình xác định những mục tiêu cho mình, xác định phương pháp và phương tiện thực hiện những mục tiêu ấy, mà không cần dựa vào bất kỳ chuẩn mực bên ngoài nào, trong đó có các chuẩn mực của niềm tin và lý trí. Machiavelli cố gắng xem xét chính trị “bằng đôi mắt người”, rút ra quy luật từ chính bản chất con người. Chủ trương giải phóng chính trị ra khỏi đạo đức và thuyết định mệnh của Chúa. C. Mác đánh giá Machiavelli: “Machiavelli…đã bắt đầu xem xét nhà nước bằng đôi mắt người và rút ra những quy luật tự nhiên của nhà nước từ lý trí và kinh nghiệm, chứ không phải từ khoa thần học”( ). Thứ hai, Machiavelli nhấn mạnh ưu thế của nhà nước trước nhà thờ, khẳng định tính chất thế tục hóa nhà nước và lĩnh vực chính trị nói chung. Machiavelli chứng minh ưu thế của nhà nước trước nhà thờ: Một là, ưu thế của nhà nước chính là lợi ích vật chất cụ thể mà nhà nước chăm lo cho con người. Đối với Machiavelli, không tồn tại lợi ích trừu tượng, lợi ích luôn luôn là lợi ích của con người, gắn với hành động của con người, là cái thúc đẩy con người hoạt động. Hai là, Thần học phải là vương quốc tinh thần đặc biệt, nó phải góp phần vào việc bảo vệ cuộc sống con người trong mỗi quốc gia. Khoa học về quyền lực, tức chính trị, cần phải xây dựng trên sự hiểu biết bản chất con người. Tuyên bố về sự phân định giới hạn giữa chính trị và đạo đức, giữa chính trị và thần học, xem xét chính trị từ góc độ đấu tranh vì quyền lực. Không phải nhà nước tồn tại cho đạo đức, mà ngược lại đạo đức tồn tại cho nhà nước. Ở đây, Machiavelli đã làm cuộc cách mạng đưa nhà nước ra khỏi nhà thờ, nhà nước có quyền lực riêng với những công cụ của nó, mặt khác nhà thờ là lĩnh vực của niềm tin của “khoảng trời” riêng. Thứ ba, Machiavelli đề xuất xây dựng con người chính trị “khôn ngoan như cáo, dũng mãnh như sư tử” khôn khéo và quyết đoán, biết dựa vào dân, nhưng cũng biết cách trừng phạt sao cho vừa sợ vừa kính trọng. Nhà nước là mục đích tự thân, quyền lợi quốc gia là trên hết. Machiavelli bênh vực bất kỳ hình thức bạo lực nào vì lợi ích sống còn của quốc gia. Bạo lực không tách rời cái thiện, mà chẳng qua là để ngăn chặn cái ác. Quan điểm bạo lưc của Machiavelli xét đến cùng là kêu gọi sửa đổi, kiểm chứng, chứ không phá hoại, hủy diệt. Machiavelli thiết lập quan điểm chính trị mới không có ảnh hưởng của thần quyền. Quyền lực nhà nước mạnh, tập trung, pháp luật nghiêm minh là điều kiện cho tính thống nhất và bền vững của quốc gia. Thứ tư, Machiavelli hướng đến nền cộng hòa, đề cao sức dân, nhấn mạnh pháp trị (đối lập nhà nước quân chủ phong kiến), với nhiều gợi mở quan điểm về nhà nước pháp quyền cho thời kỳ sau. Như vậy, Machiavelli với tư tưởng chính trị chống lại những quan điểm của giáo hội về nhà nước, ông đã chủ trương phân biệt giáo hội với nhà nước. Theo ông, nhà nước phải có một tổ chức quyền lực có các công cụ bạo lực mạnh như quân đội, lụât pháp, để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhà chính trị bao giờ cũng phải ưu tiên sử dụng sức mạnh bạo lực. Quan điểm chính trị của Machiavelli xây dựng tư tưởng chính trị thế tục, phi tôn giáo. 3.2.2 Jean Boden Jean Boden (1530 – 1596) là chính trị gia, luật gia người Pháp, người xây học thuyết chủ quyền quốc gia của Phương Tây với tác phẩm chính là “Sáu quyển sách về nền cộng hòa” (1576). Tiếp thu những tư tưởng của Machiavelli, Jean Boden cho rằng, chủ quyền là điều kiện tiên quyết xác định tính hợp pháp của mỗi quốc gia. Mất chủ quyền đồng nghĩa với việc mất đi diện mạo chính trị của nhà nước. Chủ quyền là thành tố chính trị - xã hội cơ bản nhất trong việc minh chứng cho vị thế của một quốc gia trong quan hệ với các quốc gia khác. Chủ quyền mang tính thống nhất, không phân chia, không bị giới hạn bởi ràng buộc nào. Quyền điều hành tối cao là nhà vua, song nguồn gốc của nó là nhân dân. Nhân dân có quyền cho và bác bỏ, nhưng thậm chí đứng cao hơn mọi luật lệ, theo Bodin, không phải vì thế mà tùy tiện phế truất người đứng đầu nhà nước. Nhà nước phải có quyền lực tuyệt đối, nó ở trên hết thảy, không phụ thuộc vào bất cứ quyền lực nào khác ở trong hay ngoài quốc gia. Theo ông, “nhà nước nhân dân” là chế độ mà ở đó đa số nhân dân chỉ huy quyền tối thượng bằng tập thể và bằng cá nhân - là nhà nước do đa số nhân dân nắm quyền quản. Lý thuyết quyền tự quyết của quốc gia hoàn toàn độc lập với nguyện vọng của Thượng đế. Quốc gia không tồn tại bởi vì ý muốn của Thượng đế mà là vì nhu cầu đời sống của nhân dân, mục đích chính của quốc gia là ổn định đời sống vật chất của nhân dân bởi vì đó là vấn đề sinh tử. Boden đã tách rời vai trò của quốc gia ra khỏi ảnh hưởng tôn giáo và đưa chính quyền vào một vị thế độc lập với Giáo hội. Ngoài trừ một số khía cạnh xã hội liên quan đến vấn đề tinh thần, tôn giáo mất dần ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Như vậy, Boden tiếp nối và phát triển tư tưởng chính trị chống thần quyền của Machiavelli ở khái cạnh chủ quyền và quyền tự quyết quốc gia trước các thế lực khác, kể cả Giáo hoàng. Quan điểm của ông khẳng định tính hợp lý tồn tại của nhà nước (không có bóng dáng của nhà thờ), khẳng định vai trò của nhà nước tồn tại vì con người (người dân). Xét đến cùng nhà nước mà Bodin xây dựng là mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế ôn hòa, chưa đạt tới tư tưởng phân quyền. Phát triển tư tưởng chính trị chống thần quyền theo hướng khác, các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng thời kỳ này tiến hành xây dựng những ý tưởng về mô hình nhà nước mới hoàn toàn khác với xã hội hiện thực, đầy rẫy bất công, hà khắc. Các ông đề cao con người (người lao động), sự sống và sự tự do của con người, đặc biệt là hướng tới việc tổ chức một nhà nước lý tưởng, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người. 3.2.3 Thomas More Thomas More (1478 – 1535) là một nhà tri thức xuất sắc, một nhà chính trị, một nhà nhân đạo lớn của phong trào văn hóa Phục hưng. Ông xuất thân trong gia đình trí thức ở Luân Đôn, nước Anh. Cốt lởi trong tư tưởng của Thomas More được thể hiện hoàn chỉnh trong tác phẩm “Đảo không tưởng” (1516), mô tả một xã hội lý tưởng, với nhà nước của ông vua Utốp tốt bụng thoát khỏi sự thống trị của nhà thờ với nhiều thiết chế tương ứng của nó. Tác phẩm là “Cuốn sách nhỏ bổ ích và rất lý thú, bằng vàng thật về chế độ nhà nước tốt đẹp nhất về hòn đảo không tưởng”. Một số nội dung tư tưởng chính trị chống thần quyền trong tác phẩm “Đảo không tưởng”: Thứ nhất, Xã hội mà Thomas More xây dựng vẫn còn nhà nước, nó tồn tại vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, vì nhu cầu của xã hội (mang tính lịch sử). Nhà nước phải xác định xây dựng dựa trên quan điểm dân chủ triệt để, đều do dân bầu ra hoặc bãi miễn bằng bỏ phiếu kín (chống chế độ quân chủ chuyên chế tổ chức theo nguyên tắc chỉ định bọn quan lại từ trên xuống). Thomas More vạch rõ chức năng của nhà nước là kiểm kê, phân phối sản phẩm, quản lý điều hành lao động, ngoại thương…Phương thức quản lý và phong cảnh làm việc của bộ máy nhà nước và của các nhà chức trách là dân chủ và hiệu quả., “nhà nước của họ được quản lý bằng rất ít luật lệ, nhưng quản lý rất thành công đến mức đức hạnh được đánh giá thích đáng và tuy của cải ngang bằng nhau, nhưng về mọi mặt đâu đâu cũng thấy cảnh yên vui hạnh phúc”( ). “Nếu quyết định các vấn đề chung mà không thông qua thượng nghị viện hoặc hội nghị nhân dân thì bị coi là phạm tội hình sự (đề xuất hội nghị toàn đảo)”( ). Tác phẩm đề cập đến vấn đề chống tham nhũng và hối lộ trong đội ngũ công chức nhà nước, coi đó như là yêu cầu để đảm bảo tính toàn vẹn và dồi dào của tài sản. Thứ hai, về tôn giáo trên “Đảo không tưởng”, Thomas More cho rằng, mỗi người dân trên đảo đều được quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo đạo tùy ý. Còn nếu có ai đưa cả những người khác theo đạo mình, thì việc đó được làm một cách đàng hoàng, có lý lẽ, không được dùng vũ lực và đe dọa cưỡng bức. Tôn giáo tồn tại trên đảo là tôn giáo đã được duy lý hóa. Điều đó có nghĩa là tôn giáo đã được gạt bỏ tất cả những cái mà của chủ nghĩa nhân đạo thế kỉ XVI cho là thừa và có hại cho cuộc sống. Nó tôn sùng những gì được đạo đức và chủ nghĩa nhân đạo duy lý thừa nhận và tôn sùng. Trong điều kiện con người giam cầm bởi sự u mê của hệ tư tưởng phong kiến – giáo hội đầu thế kỉ XVI, chủ nghĩa duy lý của Morơ có nghĩa là sự giải phóng tư tưởng khỏi màn sương tôn giáo, và do đó, nó giữ vai trò tiến bộ. Những người đi đến “Đảo không tưởng” đã đem Kytô giáo đến với người dân ở đấy. “Nhưng rồi người đảo Không tưởng nghe chúng tôi nói đến Chúa Giêsu, đến học thuyết, tính cách và phép màu của Chúa, đến sự ngoan cường…đến với đức tin của họ. Khó mà tin được là họ đã thừa nhận tín ngưỡng ấy một cách dễ dàng và thích thú; sỡ dĩ như vậy có thể hoặc là sự thu phục kín đáo của thần thánh, hoặc là đạo Cơ Đốc thích hợp hơn cả với cái tà giáo mà họ đang ưa chuộng. Theo ý tôi, đúng là những điều họ nghe được rằng Giêsu thích cuộc sống cộng đồng, tương tự như cuộc sống hiện thời ở nước họ và cuộc sống ấy vẫn được duy trì đến bây giờ ở những cộng đồng Cơ Đốc giáo thuần túy nhất […] Ngay cả những người không đồng ý với đạo Cơ Đốc cũng không dọa nạt, bắt phải bỏ đạo, không hề tấn công một đạo hữu nào”( ). “Trong những luật lệ cổ nhất của người đảo Không tưởng có điều luật không buộc tội ai về việc theo đạo”( ). Như vậy, Thomas More với tác phẩm “Đảo không tưởng” – dạng văn họa viễn tưởng chưa phải là một tác phẩm lý luận hay cương lĩnh hành động nhưng nó vẫn có giá trị nhất định trong phong trào văn hóa Phực hưng, với tư tưởng chính trị chống thần quyền. Ở đó, những luận điểm xây dựng xã hội cộng sản với mô hình tương đối toàn diện về xã hội. Thiết lập xã hội công bằng với chế độ phân phối công bằng hơn thời trung cổ, hơn hết là nhà nước với sự tách biệt khỏi nhà thờ và tự do tôn giáo trong xã hội của “Đảo không tưởng”. Mặc dù còn nhiều hạn chế do quy định của hoàn cảnh lịch sử nên tư tưởng của Thomas More trong tác phẩm “Đảo không tưởng” đã đặt nhiều câu hỏi gợi mở cho thời đại sau, nhất là các tư tưởng về chính trị nhằm xây dựng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học của các nhà mácxít. 3.2.4 Tomaso Campanella Tomaso Campanella (1568 – 1639), ông xuất thân từ một gia đình thợ thủ công làm giày ở Calabri miền Nam Italia. Gia đình nghèo nhưng muốn có tri thức. Tomaso Campanella không chỉ có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực triết học tự nhiên mà còn trong việc đề ra những vấn đề cải cách trật tự xã hội theo hướng phúc lợi toàn dân. Tác phẩm “Thành phố mặt trời” (1601) của ông là một thử nghiệm về xã hội khép kín mà ở đó pháp luật và kỷ cương được đề cao cùng vớ thừa nhận quyền bình đẳng của từng cá nhân. Một số nội dung tư tưởng chính trị chống thần quyền trong tác phẩm “Thành phố mặt trời”: Thứ nhất, Campanella đã nghĩ “Thành phố mặt trời” một cơ cấu chính trị lý tưởng để thực hiện sự bình đẳng xã hội, tổ chức và quản lý mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống xã hội một cách hài hòa có hiệu quả. Trong cơ cấu ấy, ông Mặt Trời đó là một linh mục – là người cầm quyền tối cao, là người đứng đầu cả bên đời lẫn bên đạo, người ra quyết định về tất cả mọi vấn đề và mọi vụ tranh chấp. Bên cạnh ông có 3 người cùng cầm quyền: ông Sức Mạnh (quân sự), ông Sáng Suốt (khoa học, nghệ thuât), ông Tình Yêu (hôn nhân). Ông Mặt Trời và ba người cầm quyền với ông đều do tuyển cử bầu ra. Ở Thành phố Mặt trời không có chiến tranh, nhà tù mà có luật. Luật không nhiều nhưng ngắn gọn và rõ ràng, được niên yết công khai tại tiền sảnh các ngôi đền. “Hội đồng nhân dân” nhóm họp mỗi tháng hai kỳ (đầu tháng và giữa tháng). Các nhà chức trách đều bị bãi miễn theo ý kiến của nhân dân. Chế độ chính trị của “Thành phố Mặt trời” là chế độ chính trị lý tưởng đem lại hòa bình, yên ổn, dân chủ, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Thứ hai, tác phẩm đề cập với tôn giáo trong xã hôi mới nhưng tôn giáo hoàn toàn tách khỏi nhà nước, giờ đây chỉ là những nhu cầu cho tâm linh. Trong phần “về lễ cầu nguyện” thì chỉ rõ “họ cầu nguyện, vừa quay về bốn phương: buổi sáng hướng về phương đông, sau đó hướng về phương tây, tiếp đến là phương nam, rồi đến phương bắc; còn buổi chiều thì ngược lại: đầu tiên là phương bắc, quay sang phương đông, tiếp sau phương bắc, rồi đến phương nam. Đọc kinh nhằm cầu xin cho mình và cho tất cả các dân tộc có thân hình cường tráng, tinh thần lành mạnh, cuộc sống hạnh phúc, và kết thúc bằng câu của Kinh thánh : Sáng danh Chúa đời đời. Amen!”( ) Như vậy, thông qua tác phẩm “Thành phố Mặt trời”, Tomaso Campanella đã đóng góp không nhỏ làm nên bức tranh đầy màu sắc của phong trào văn hóa Phục hưng nói chung và tư tưởng chính trị chống thần quyền nói chung. Xây dựng xã hội mới với thiết chế hoàn toàn đối lập với xã hội hiện thực, khiến cho dân các vương quốc khác rất thèm muốn cuộc sống tốt đẹp, yên vui và hạnh phúc ở Thành phố Mặt trời và thích sống dưới chính quyền của thành phố ấy. Chủ trương bình đẳng xã hội và dân chủ trong chính trị, nhấn mạnh con người tự do nhưng ở ông còn nhiều yếu tố mâu thuẫn và chưa triệt để. 3.3 Đánh giá chung Tư tưởng chính trị trong thần quyền trong phong trào văn hóa Phục hưng là một trong những nội dung quan trọng. Xoay quanh trục tư tưởng nhân văn nhấn mạnh con người là trung tâm với vương quốc của con người. Giờ đây con người trở thành thực thể tự quy định và tự phán xử, theo ân sủng mà Thượng đế ban tặng. Đấu tranh loại bỏ thần học trong lĩnh vực chính trị là khía cạnh thúc đẩy con người tự do sử dụng quyền lực của mình để phụng sự chính mình – xây dựng một thế giới tốt đẹp theo ý Chúa. Vì thế, hàng loạt các nhà tư tưởng chính trị lớn đã mạnh dạn xây dựng những quan điểm, ý tưởng, mô hình, với yêu cầu nhà nước phải có vai trò trước nhà thờ, và tôn giáo giờ chỉ phục vụ nhu cầu tâm lý. Ở nội dung tư tưởng chính trị chống thần quyền thể hiện qua (Machiavelli, Jean Boden, Thomas More, Tomaso Campanella…) phản ánh rất rõ nét vấn đề con người chính trị với vai trò của nó, xây dựng cuộc sống tương lai tốt đẹp, tư tưởng chính trị thế tục, phi tôn giáo, các phạm trù của liên quan đến con người trong hoạt động chính trị như: dân chủ, tự do, bình đẳng được khôi phục trở lại, vấn đề này là nét son thể hiện triết học văn hóa của phong trào văn hóa Phục hưng. KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Danh tác triết học từ Platon đến Derrida, Forrest E.Baird, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006 2. Lịch sử văn minh phương Tây, Mortimer Chambers – Barbara Hanawalt – David Herlihy – Theodore K.Rabb – Isser Woloch – Raymond Grew, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004 3. Lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa phương Tây trước chủ nghĩa Mác, TS. Trần Hùng, TS Trần Chí Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006. 4. Tạp chí nghiên cứu văn hóa – trường Đại học Văn hóa Hà Nội: www.huc.edu.vn 5. Triết học thời Phục hưng: Những triết gia Ý, Arturo B.Fallico – Herman Shapiro, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005 6. Triết học Trung cổ Tây Âu, PGS. TS Doãn Chính, PGS. TS Đinh Ngọc Thạch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008. 7.
Người gửi / điện thoại