Đăng nhập
Chào Mừng Các Bạn Đến Với Website Đoàn - Hội Khoa Triết HọcLaughing

Từ khóa
Danh mục

Bạn cần thông tin gì nhất từ website
Hoạt động đoàn - hội
Học Thuật
Kĩ năng
Học bổng - việc làm

CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA HAI TRƯỜNG PHÁI DUY TÂM VÀ DUY VẬT TRONG MỸ HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI

 

Trong khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng duy vật và duy tâm. Cuộc đấu tranh đó diễn ra quyết liệt trong suốt chặng đường phát triển của lịch sử triết học, không chỉ diễn ra trong lĩnh vực triết học mà còn trong các lĩnh vực khác như mỹ học, … Trong mỹ học Hy Lạp cổ đại, cuộc đấu tranh này thể hiện thông qua quan điểm của các nhà tư tưởng về cái đẹp và nghệ thuật, tiêu biểu như trong học thuyết “bắt chước” để lý giải nguồn gốc và chức năng của văn hóa nghệ thuật. Phái duy vật cho rằng nghệ thuật có bản chất là “bắt chước thực tại”. Cuộc sống hiện thực là cái có trước, con người dùng tài khéo của mình để phản ánh lại những cái đã có và sẽ có theo luật cảm hứng. Đại diện cho phái này như Đêmôcrit, Arixtot… Phái duy tâm cũng thừa nhận nghệ thuật là sự “bắt chước” nhưng là sự bắt chước thần linh, nhờ thần nhập mà nghệ sỹ mới có được một cảm hứng trong sáng tác, tiêu biểu như Platon.

Trong quan niệm về cái đẹp, các nhà tư tưởng đã có những quan điểm đối lập nhau. Theo Đêmôcrit – nhà nguyên tử luận, với cơ sở triết học của ông là mọi vật được tạo bởi hai nhân tố đầu tiên là nguyên tử và chân không hợp thành, ông đã đi đến những kết luận duy vật khách quan về cái đẹp. Ông cho rằng cái đẹp là do lối kết hợp của các nguyên tử bên trong sự vật hiện tượng. Như vậy, cái đẹp có cơ sở khách quan, thuộc tính. Cơ sở khách quan của cái đẹp mang tính vật chất. Một vật được coi là đẹp khi nó nằm trong một trật tự, có mức độ nhất định phù hợp với bản thân nó, có sự hài hòa và cân xứng về các mặt.

Tính chất mức độ của sự vật liên quan đến vẻ đẹp ở cả hai phía: số lượng và chất lượng. Nếu một sự vật vượt quá mức độ của nó thì cái thú vị nhất cũng sẽ trở thành cái khó chịu nhất. Cái mức độ thích hợp tạo ra vẻ đẹp có ở trong tất cả mọi vật. “Sự thích ứng về mọi mặt là đẹp”. Sự điều độ làm tăng thêm niềm vui của cuộc sống và làm cho sự khoái trá càng lớn hơn. Ông nói “Tôi không thích những cái gì thừa thải và không đủ” rằng cái quả nhỏ khiến ta không thể thấy được mà biết nó đẹp hay không. Nhưng cái quá lớn thành ra quái dị. Cái thừa, cái thiếu, cái thái quá đều là những cái xấu. Đêmôcrit không chỉ quan tâm đến tính vật chất của cái đẹp, ông còn thấy ở trong đó cái tinh thần của vẻ đẹp.

Như vậy, ông đã gắn cái đẹp với cái thiện, lối giải thích này đã vận dụng chặt chẽ hai phạm trù: hài hòa và mức độ trong tâm hồn. Đêmôcrit cho rằng hạnh phúc vừa là cái đẹp do sự hài hòa của tâm hồn đem lại, hạnh phúc vừa là cái đẹp vừa là cái có ích nhất của con người. Hạnh phúc của con người là khi đạt đến sự hài hòa về tâm hồn, không bị thôi thúc bởi những ham muốn nào.

Từ đó ông đưa ra thuyết tri giác thẩm mỹ. Đây là lý luận về khả năng và phương pháp nhận thức cái đẹp. Theo Đêmôcrit, cơ sở để nhận thức cái đẹp là cảm giác, cảm xúc nhưng phải là cảm xúc tương đối hoàn chỉnh về sự vật hiện tượng hay nói cách khác là phải đạt đến trình độ tri giác thẩm mỹ. Đối lập lập trường duy vật của Đêmôcrit, cơ sở triết học của Platon là thuyết “ý niệm”. Đó không phải là khái niệm giả định, không phải là cái có trước, có tính tiên nghiệm, cũng không phải là một hiện tượng luận có tính chất trực quan hay là một thực thể thần linh, mà đó là cái trừu tượng, cái thuộc về tinh thần con người. “Ý niệm” là một bản thể, là một tồn tại. Do đó trong quan niệm về cái đẹp ông thể hiện cho xu hướng duy tâm khách quan, cho rằng cái đẹp không phải là số lượng cũng không phải là một hình thái, một nhân tố cụ thể nào đó mà cái đẹp phải là một khái niệm, là “thế giới ý niệm”, là một ý thức một sự cảm nhận của thế giới linh hồn bên trong con người. Như vậy, Platon đã xuất phát từ quan điểm duy tâm thần bí về tồn tại về ý niệm để lý giải các hiện tượng thẩm mỹ.

Và cũng từ quan niệm triết học đó, khi đi vào mỹ học Platon tách cái đẹp ra để nghiên cứu ở hai góc độ: vật chất và tinh thần nhưng với mục đích là bác bỏ cái đẹp vật chất và khẳng định cái đẹp tinh thần. Ông cho rằng giới hiện thực khách quan không phải là một hình thái duy nhất để biểu hiện cái đẹp. Cái đẹp có biểu hiện ở giới hiện thực khách quan, ở vật thể cảm tính riêng lẻ, song nó không phải là cái đẹp bản chất. Chỉ có cái đẹp của “ý niệm” của tâm hồn, của thần linh mới là cái đẹp gốc, cái đẹp bản chất, cái đẹp vĩnh hằng. “Cô thiếu nữ là đẹp, nhưng như vậy con ngựa cái cũng đẹp, lấy cái gì để mà so để thấy cái đẹp. Phải tìm một cái đẹp mà “bản thân nó là đẹp và nó còn làm đẹp mọi vật khác, nhờ nó mà mọi vật mới cảm thấy mình đẹp”.

Ông cho rằng cái đẹp trong sự vật cảm tính chỉ là cái đẹp thoáng qua, chỉ là cái đẹp phản chiếu một cách yếu ớt mà thôi. Theo Platon, cái đẹp là một “ý niệm” tồn tại vĩnh viễn. Nguồn gốc của cái đẹp nằm trong thế giới tinh thần chứ không nằm trong thế giới vật thể cảm tính. Ý niệm đẹp không phải là cái bóng cũng không phải là cái ở bên ngoài, mà là cái hồn của sự vật. Hình thức tồn tại của cái ý niệm đẹp trong vật thể là dưới dạng cái chung, cái phổ biến cái toàn thể. “Ý niệm” về cái đẹp là cái bất biến, cái vĩnh cửu trong mọi trường hợp, mọi thời gian, mọi không gian, “cái đẹp là tự nó”.

“Cái đẹp tồn tại vĩnh viễn nó không tự xuất hiện, không mất đi, không tăng thêm, không giảm đi, thậm chí nó không đẹp ở nơi đây mà xấu ở nơi kia, không đẹp ở quan hệ này mà xấu ở quan hệ khác, không đẹp với cái này mà lại thô kệch đối với cái kia, cái đẹp không hiện ra như một vẻ mặt hoặc như một cánh tay, cũng không ở bất cứ phần nào của cơ thể. Đẹp cũng không hiện ra như một lập luận hay một khoa học nào đó, cái đẹp là tự nó” (trích tác phẩm Yến tiệc).

Arixtot là học trò xuất sắc của Platon, nhưng về mặt tư tưởng, cơ bản ông đi ngược lại quan niệm của thầy mình. Các công trình của ông bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau và ở lĩnh vực nào ông cũng vươn tới những đỉnh cao mà thời đại cho phép. Mác gọi ông là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại”. Về mặt triết học, Arixtot chống lại cách phân chia thực tại thành hai thế giới đối lập siêu hình, mà cho rằng chỉ có duy nhất, một thế giới vật thể tồn tại, trong đó có sự thống nhất giữa vật chất (nghĩa là bản chất bên trong) với hình thức (nghĩa là hiện tượng bên ngoài).

Trên cơ sở nhận thức như vậy về thế giới, ông thừa nhận đặc tính khách quan của cái đẹp. Ông cho rằng cái đẹp bao giờ cũng nằm trong vẻ đẹp của thực tại khách quan, mang những phẩm chất cơ bản như trật tự, hài hòa, tỷ lệ,… mà đối tượng chủ yếu là ở con người, bởi vì cơ thể và tâm hồn con người có những phẩm chất đẹp đẽ ấy. Ông là người đầu tiên thấy rõ tính chủ quan và khách quan khi xác lập cái đẹp. Chỉ có thể xác lập tính khách quan trong mối tương quan những đặc tính vật thể với sự cảm thụ của con người. Ông chia cái đẹp ra làm hai loại: Cái đẹp tĩnh và cái đẹp động. Mặt khác, ông còn đặt cái đẹp trong mối quan hệ với cái thiện và cái có ích, được phân biệt trên các khía cạnh sau:

- Cái đẹp tinh thần: Cái đẹp tinh thần lấy cái thiện làm cơ sở, cái thiện là mục đích cuối cùng bao quát nhất mà con người hướng tới.Nhưng không nên nhầm lẫn giữa cái thiện và cái đẹp vì cái đẹp là cái chiêm ngưỡng, còn cái thiện là cái thực hiện.

- Cái đẹp hình thức: Cái đẹp tinh thần chưa đủ tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh mà phải có cái đẹp hình thức nữa. Ông xác định: “những hình thức tối cao của cái đẹp là sự thích ứng với quy luật, tính đối xứng và tính xác định, chính những hình thức ấy tìm thấy trong toán học” (Siêu hình học). Trong công trình nổi tiếng “Siêu hình học” ông nói đẹp là trật tự của sự hài hòa, cân xứng. Trong thi pháp học, ông đã bổ sung thêm tính xác định, hữu hạn thống nhất.

Ngoài ra ông còn xác định cái mức độ là một phạm trù phổ biến, một nguyên tắc thẩm mỹ cơ bản, nhờ nó mà nhận thức được những cái xác định, hài hòa, cân xứng… làm cơ sở cho cái đẹp, đồng thời là phẩm chất khách quan, chi phối phẩm hạnh con người, làm cho những khát vọng và nhu cầu của nó có mức độ cân đối với cái hòa điệu.

Cuộc đấu tranh giữa duy vật và duy tâm còn thể hiện qua các quan điểm thẩm mỹ thông qua ba mặt: bản chất nghệ thuật, quá trình sáng tạo nghệ thuật và vai trò, chức năng của nghệ thuật. Về bản chất và quá trình sáng tạo của nghệ thuật, theo Đêmôcrit nghệ thuật quần chúng cũng như các ngành nghề thủ công là kết quả của sự bắt chước các sự vật. Bằng con đường bắt chước động vật, con người đã làm được những điều quan trọng nhất. Ví dụ như con người đã học được ở con nhện cách dệt vải và nghề may quần áo, các nhà kiến trúc là học trò của loài én, con ong trong việc xây cất nhà ở… Cũng như thế nghệ thuật âm nhạc đã bắt chước âm thanh của tự nhiên, lời ca tiếng hót của chim muông. Lý giải bản chất của nghệ thuật theo lối đó tức là theo lối  nhìn trực quan về sự tái hiện hiện thực. Cách lý giải này đã được Đêmôcrit bổ sung bằng thuyết cảm hứng nghệ thuật. Vì lẽ đó, quan niệm về bản chất nghệ thuật của  Đêmôcrit sâu sắc hơn. Có thể nói ông là một trong những người đầu tiên bàn về cảm hứng nghệ thuật. Theo ông, bản chất của nghệ thuật là bắt chước thực tại, nhưng muốn bắt chước được thực tại phải có một cảm hứng đặc biệt. Người ta không thể bắt chước nếu như trong tâm hồn thiếu ngọn lửa bùng cháy. Ông cho rằng không thể có một áng văn hay, một vần thơ làm xúc động lòng người nếu như tâm hồn nhà thơ thiếu một “ngọn lửa rực sáng”. Không có cảm hứng, không ai có thể sáng tác được, không có sự say mê, không có nhà thơ vĩ đại được. “Không ai có thể trở thành nhà thơ giỏi nếu không có ngọn lửa của tâm hồn, và không có một cảm hứng nào đó, một thứ bệnh điên rồ riêng nào đó”.

Như vậy, Đêmôcrit đã nhấn mạnh các đặc trưng của nghệ thuật của sự sáng tạo thơ ca. Ông cũng cho rằng, thiên tài là năng khiếu bẩm sinh nhưng cũng là kết quả của công phương thức luyện tập. Ông lưu ý chỉ những cảm hứng gắn bó với cái đẹp mới là cảm hứng đáng tin cậy. Nghệ thuật không chỉ đòi hỏi có cảm hứng mà còn đòi hỏi tầm sâu sắc của tư duy. Vì thế Đêmôcrit yêu cầu loại trừ “những kẻ chỉ biết suy nghĩ một cách phải chăng” ra khỏi nghệ thuật.

Ở Đêmôcrit đã có sự lý giải thú vị về nguồn gốc xã hội của nghệ thuật cũng như sự phát triển của văn hóa, tiến bộ của xã hội. Ông cho rằng con người lúc đầu sống phụ thuộc vào tự nhiên, lượm lặt những của trời cho để sống nhưng rồi con người đã biết “lấy nhu cầu làm thầy dạy bảo” mà dần dần từng bước thay đổi cuộc sống và cách sinh hoạt của mình. Do yêu cầu của những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà “bàn tay, trí khôn, óc tưởng tượng” đã phát triển đưa con người đến sinh hoạt văn hóa. Chính sự bắt chước tự nhiên một cách khéo léo đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh văn hóa tinh thần. Nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nó chỉ xuất hiện khi con người thỏa mãn nhu cầu nhất định về tự nhiên, khi đã xuất hiện sự thừa thải sinh lực, “sự xa xỉ”.

Tương tự Đêmôcrit, Arixtot cũng có quan điểm tương tự về sự bắt chước. Trong tác phẩm “Nghệ thuật thơ ca” ông đưa ra hai nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nghệ thuật. Thứ nhất, bắt chước là cái vốn có, thuộc tính tự nhiên bẩm sinh của con người. Thứ hai, bắt chước không chỉ đem lại cho con người ta những tri thức đầu tiên mà sản phẩm của sự bắt chước còn mang lại cho con người ta sự thích thú. Con đường đi tới nghệ thuật là cảm hứng khi bắt chước. Về vấn đề đối tượng của nghệ thuật, Arixtot xác định đó là vẻ đẹp của thể xác và tinh thần con người, là đối tượng chính của sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, ông là người đầu tiên xác định được điều này. Về phương thức sáng tạo, ông cho rằng muốn bắt chước phải có vốn hiểu biết về đối tượng, phải có tích lũy kinh nghiệm, bởi vì không phải bắt chước một cách rập khuôn máy móc, mà là sự sáng tạo. Nghệ thuật “phải có nhiệm vụ bổ sung vào cái không có ở trong tự nhiên”, bởi vì “mọi nghệ thuật phải có quan hệ với sự sáng tạo”. Quá trình sáng tạo không phải là quá trình thần nhập phi lý tính như Platon quan niệm mà là quá trình kết hợp giữa lý tính và cảm tính. Trên cơ sở đó, ông yêu cầu nghệ sỹ phải khổ công rèn luyện vì nghệ thuật không phải là cái dễ làm, nó bao giờ cũng đòi hỏi sự hiểu biết, sự tinh vi, tài nghệ khéo léo. Mỹ học của ông thấm nhuần ý nghĩa nhân bản cao cả bên cạnh tính duy vật sâu sắc. Ông yêu cầu nghệ sỹ phải “diễn tả cái có thể xảy ra” theo bản chất và quy luật tất yếu. Cao hơn, ông còn trao cho nghệ sỹ cái quyền “bổ sung vào cái không có trong tự nhiên”. Tính lý tưởng được khẳng định cùng với tính hiện thực.

Đối lập với quan điểm của Đêmôcrit và Arixtot thì Platon lại cho rằng quá trình cảm hứng chỉ là một quá trình “thâm nhập”, người nghệ sĩ là công cụ của thần linh, để thần linh tác động sức mạnh thần bí, nghệ sỹ có “linh cảm” là phi lý tính, mà chỉ là một tâm thức bị ám ảnh. Bắt chước, theo ông cũng không phải là tái hiện hiện thực, mà nghệ thuật bắt chước các vật thể cảm tính. Các vật thể cảm tính lại là cái bóng của ý niệm, là bản sao của bản sao. Nghệ thuật qua hai lần chiết quang và hoàn toàn không có giá trị nhận thức. Nghệ thuật cách xa chân lý đến ba bậc. Ví dụ: Anh thợ mộc bắt chước ý niệm “giường” mà đóng ra cái giường là cách xa chân lý bậc thứ hai. Họa sĩ chọn giường làm vật mẫu, vậy là chép bản sao ở mức thứ ba. Từ đó, ông đi đến xem thường sự sáng tạo của nghệ sĩ ở bất kỳ loại hình nào.

Có thể nói quan niệm cảm hứng nghệ thuật của Platon là một bước lùi so với quan niệm của Đêmôcrit. Xuất phát từ thế giới quan duy tâm và thần bí, Platon cho rằng quá trình cảm hứng của nghệ sỹ là quá trình “thần nhập”. Nghệ sỹ chỉ là một công cụ để thần linh tác động sức mạnh thần bí. Khi sáng tác nghệ sĩ nhờ vào sự “linh cảm” của mình. Đây là một trạng thái hưng phấn, đặc biệt mê cuồng, huyền ảo.

Do vậy mà vai trò, chức năng của nghệ thuật theo ông là phục vụ lợi ích quý tộc chủ nô, mang mục đích chính trị rõ rệt. Đây chỉ là một hệ thống siêu hình dựa trên lý trí, rút ra một cách máy móc từ siêu hình học, hướng con người lĩnh hội cái đẹp bằng trực giác, phi thực tế. Dù rằng trong cách lý giải ông đã đi sâu được nhiều vấn đề, song ông sai từ gốc. Còn Arixtot đề cao ý nghĩa nhận thức và ý nghĩa giáo dục của nghệ thuật. Lý thuyết về khả năng “thanh lọc hóa” tâm hồn người xem của bi kịch được ông phát hiện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Không những thế ông đã xác định một cách cụ thể phẩm chất thẩm mỹ của đời sống hiện thực, theo một quan niệm hết sức duy vật. Đồng thời phát triển quan niệm bắt chước của sáng tạo nghệ thuật một cách biện chứng và khảo sát thực tiễn sáng tác một cách sâu sắc để đưa ra một kiểu chủ nghĩa hiện thực đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật: chủ nghĩa hiện thực chủ quan, nhưng đầy phẩm chất lý tưởng, sự bay bổng phù hợp với tư duy thời cổ đại. Tính chất lý tưởng cũng dựa trên cơ sở của hiện thực. Mặt khác, ông cũng là người đầu tiên đưa ra những vấn đề quan trọng của thi pháp: vấn đề loại hình và loại thể, vấn đề không gian và thời gian nghệ thuật, vấn đề hiện thực và hư cấu, vấn đề đối tượng và phương pháp phản ánh. Đó là những vấn đề cho đến nay vẫn chưa được bàn đến một cách thấu đáo, vẫn còn sức vẫy gọi, thu hút mọi người.

Nếu như Platon khi nghiên cứu mỹ học đã dựa trên sự phán đoán của lý trí thì ngược lại Arixtot đã xuất phát từ những tài liệu cụ thể. Tác phẩm thi pháp của ông là một công trình khái quát rộng rãi toàn bộ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, đồng thời cũng là mẫu mực về lý luận cho sự sáng tạo nghệ thuật vì Arixtot không những dựa trên thành quả của sự phát triển nghệ thuật hiện đại để đặt ra những vấn đề lý luận sắc bén mà trong chừng mực nhất định ông còn có chỗ sâu hơn thành quả nghệ thuật thời ấy. Platon xây dựng thuyết “bắt chước” không phải để lý giải bản chất đúng đắn của nghệ thuật mà nhằm chứng minh sự thấp kém có tính chất nguyên tắc, tính chất thiếu chân thực của nghệ thuật. Ngược lại, Arixtot xây dựng thuyết “bắt chước” để đặt cơ sở cho nguyên tắc tái hiện hiện thực của nghệ thuật và của chủ nghĩa duy vật trong mỹ học, nghĩa là nhằm khẳng định vai trò xã hội của nghệ thuật, định rõ bản chất, chức năng nhận thức, giáo dục, biểu hiện và truyền thụ cái đẹp của nghệ thuật.

Tóm lại, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm được thể hiện giữa hai đường lối Platon với Đêmôcrit và Arixtot thì ở mỹ học cũng thể hiện qua hai đường lối đó. Cuộc đấu tranh của Arixtot chống lại Platon về các quan điểm thẫm mỹ có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó tiêu biểu cho hai xu hướng lớn, xu hướng duy vật hiện thực trong mỹ học và xu hướng duy tâm dẫn đến các quan điểm mỹ học lãng mạn, siêu hình.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Địa chỉ liên hệ: Văn phòng khoa Triết học A207, 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.    
Tự tạo website với Webmienphi.vn